Từ thời NES còn thống trị thị trường console gia đình, đã có nhiều thiết bị bổ trợ cho nó, từ hữu ích đến… vô dụng, và tất nhiên không thiếu những món đồ quái dị khiến game thủ mới nhìn vào chả biết chúng để làm gì. Với công nghệ hiện đại cũng vậy, có nhiều thứ “đồ chơi” cho game thủ mà bạn phải tự hỏi liệu chúng có phải dành cho tất cả mọi người hay chỉ những đối tượng “lập dị” mới thích chúng? Cùng xem thử 10 món thiết bị kì quái nhưng lí thú do gameranx tổng hợp dưới đây nhé:
1: Đèn sưởi bàn phím
Đây rõ ràng là một trang bị hữu ích về mùa đông nhưng trừ phi bạn sống ở những nơi có nhiệt độ vô cùng khắc nghiệt thì điều hòa nhiệt độ vẫn thường hữu ích hơn vì nó giúp sưởi ấm cả thân thể chứ không chỉ là tay chuột/bàn phím. Dù vậy, nếu thường xuyên lao động bên ngoài trời lạnh thì có một thiết bị giúp sưởi ấm bàn tay khi chơi game vẫn sẽ tốt hơn.
2: Quạt tản nhiệt cơ thể mini
Một trong những phát kiến kì quái đến từ Nhật dành cho các game thủ chinh chiến vào mùa hè, dùng quạt mini kẹp vào tay áo ngắn để thổi mát vào bên trong cơ thể bạn. Nhưng nhìn chung kiểu “làm mát” này chỉ có ích khi chơi game ngoài đường, những nơi không có quạt hay máy lạnh chứ bạn khó mà tập trung chiến đấu được khi dưới tay áo phải “đeo” thêm chiếc quạt mini này.
3: Bàn phím JoyCon cho Switch
Nhằm giúp các game thủ Switch giao tiếp nhanh chóng trong các tựa game MMO, nhiều công ty đã và đang sản xuất bàn phím rời cho Switch để chat chit nhanh hơn cách dùng bàn phím ảo – chỉ có điều, chiếc bàn phím này “kiêm” luôn cả ngõ gắn JoyCon với ý tưởng giúp người chơi dùng như một tay cầm thực thụ, vừa chơi game vừa chat được. Thực tế thì bạn vẫn cần đặt nó xuống bàn để dùng 2 tay gõ phím chứ “mổ cò” bằng một tay thì cũng chả khác mấy so với việc dùng bàn phím ảo.
4: Cần điều khiển “Cưa máy” cho Resident Evil 4
Nếu các game thủ Rock Band có nguyên một bộ kit để thực sự “hòa mình” với âm nhạc thì các fan Resident Evil cũng có một bộ điều khiển mang đặc trưng “tàn sát zombie” của game với hình dạng một chiếc cưa máy ấn tượng, với hiệu ứng máu tung tóe trên lưỡi cưa như thật. Sản phẩm kì quái này chỉ dành riêng cho hệ máy PS2 và mang tính chất sưu tầm là chính vì nó không điều khiển cảm ứng được như các thiết bị VR nên bạn vẫn cần phải sử dụng cần Analog để chỉnh camera rồi mới “cưa” được zombie.
5: MegaHub USB 36 cổng
Thiết bị mở rộng kết nối USB này thực sự không có gì kì quái nếu không vì số cổng mà nó mở rộng lên tới… 36 cổng lận. Khoan nói đến việc ngốn điện từ máy tính, dù có là game thủ chuyên nghiệp thế nào đi nữa thì bạn cũng khó lòng tìm ra cách mà tận dụng hết số cổng USB này – cùng lắm thì cắm chuột+bàn phím+tai nghe USB, bộ đọc thẻ nhớ, bút nhớ USB và ổ cứng gắn ngoài, giao tiếp với điện thoại, máy tính bảng… là hết cỡ.
6: Virtuix Omni
Nếu các thiết bị VR hiện giờ chỉ dừng lại ở headset và tay cầm cảm ứng thì Omni còn tiến xa hơn vì cho phép người chơi… di chuyển được trong không gian VR nhờ đôi giày đặc biệt và đế cảm ứng của nó cho phép chuyển tải chuyển động đi/chạy của người chơi vào game. Thiết bị này thậm chí còn “tận tình” đầu tư giá đỡ để người chơi “chạy tại chỗ” được như máy tập, tạo cảm giác chơi game VR không thể chân thật hơn. Hạn chế? Giá đắt kinh khủng và đương nhiên là chỉ dành cho các game thủ đại gia thích đầu tư VR nghiêm túc mà thôi.
7: Retro Machine Arcade
Thoạt trông cứ ngỡ đây là một thiết bị mô phỏng máy game Arcade thùng ngày xưa nhưng với sự xuất hiện của 4 cục pin tiểu, bạn dễ dàng nhận ra đây chỉ là một chiếc máy chơi game với dạng thùng Arcade để tạo cảm giác xa xưa quá khứ. Với kích cỡ quá khiêm tốn, Retro Machine cực kì khó sử dụng hiệu quả vì phím bấm bé, màn hình nhỏ gây khó nhìn, và 200 game NES tích hợp cũng không thật sự hấp dẫn khi quá nhiều trò lặp lại.
8: oneBoard Pro+
Một chiếc bàn phím cơ kết hợp máy tính Android có vẻ khá kì quái, nhưng ít ra thì thiết bị này cũng giúp bạn chinh chiến game được mọi lúc mọi nơi mà chỉ cần mang vác tối thiểu, lại gọn nhẹ và lịch sự hơn so với những chiếc laptop cồng kềnh. Đáng tiếc là nó không hấp dẫn được game thủ PC là mấy vì nền tảng Android vẫn không nhiều game bằng Windows.
9: Phím chơi game cho thiết bị Android
Quả thật việc dùng máy tính bảng / smartphone với màn hình cảm ứng mà còn gắn thêm phím “thật” lên trên để điều khiển thì trông khá kì quái, chưa kể bộ trang bị này chỉ làm duy nhất một việc là thay ngón tay bạn “điểm” lên trên màn hình thao tác của game mà thôi. Nhưng ít ra thì nó cũng hữu ích khi dùng máy tính bảng với màn hình lớn, bạn khó mà nhớ được vị trí nút bấm ảo ở đâu nhưng với phím này thì có thể “rờ” tới được.
10: Giá đỡ Switch di động
Mặc dù Switch được thiết kế để mang theo chơi di động thoải mái nhưng không phải ai cũng thích xài JoyCon để chiến game ngoài đường. Thay vì phải kiếm chỗ ngồi trong quán cafe để đặt Switch lên bàn, tại sao bạn không mua một bộ giá đỡ như thế này nhỉ? Có thể điều chỉnh vị trí Switch thoải mái cho vừa tầm mắt, lại còn tự do xài điều khiển Pro Controller nữa, quá tuyệt phải không? Nhưng những người khác nhìn vào thì có thể sẽ đánh giá khác về bạn đấy.