Không cần phải nói chắc chắn nhiều người cũng thừa hiểu, việc một công ty thống trị thị trường hoàn toàn không có lợi với người dùng phổ thông. Không có cạnh tranh, không có đột phá công nghệ cũng như sản phẩm giá thành tốt lẽ dĩ nhiên người mua sẽ thiệt thòi đủ đường.
Thế nhưng có lẽ chỉ vài năm nữa thôi thậm chí ngay vào năm 2019, triều đại của Intel sẽ bị lung lay bởi sự thách thức đến từ nhiều thương hiệu mạnh khác đang lăm le cắn xé miếng bánh béo bở mà hãng này độc chiếm lâu nay.
Từ những sai lầm trong quá khứ
Chắc chắn việc Intel vuột mất thị trường di động cho Qualcomm là sai lầm lớn nhất trong lịch sử phát triển của hãng này. Tận dụng sai lầm của ông lớn Intel, trong 5 năm trở lại đây Qualcomm đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Không chỉ là ông lớn thống trị mảng phần cứng smartphone android, hiện Qualcomm đã đủ sức đầu tư sang mảng PC và laptop.
Và quả thực, Qualcomm đã có những sản phẩm cực kì thuyết phục. Mặc dù hiệu năng của chúng chưa thể so sánh với các sản phẩm đến từ Intel nhưng phải nói đây là thế hệ chip smartphone chạy trên PC Windows 10 cực kì hứa hẹn. Khi được đưa lên những chiếc HP Envy X2, Lenovo Miix 630 và Asus NovaGo mới ra mắt đầu năm nay, chúng tỏ ra hoạt động cực kì hiệu quả khi cải thiện được thời lượng pin, cung cấp kết nối LTE và giảm trọng lượng tổng thể khiến laptop trở thành một thiết bị làm việc dành cho doanh nhân và dùng trong học tập cực kì hoàn thiện.
HP Envy X2
Nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ, thời lượng pin tốt, kết nối mọi lúc mọi nơi với hiệu năng vừa đủ để làm việc với văn bản và tài liệu hoặc giải trí nhẹ nhàng là ưu điểm của sản phẩm đến từ Qualcomm.
Đến sai lầm hiện tại
Có lẽ Intel đã quá coi thường tiềm năng của AMD bởi nếu so giá trị vốn hóa thị trường của AMD với Intel thì con số 15,35 tỷ USD với 254,1 tỷ USD chẳng khác nào kiến đọ với voi. Trong khi Intel đang loay hoay tìm cách thâm nhập vào thị trường card đồ họa chơi game, AMD đã có những bước tiến mạnh mẽ với những bộ vi xử lý Ryzen khá thành công trong năm vừa qua.
Kẻ thách thức yếu nhược nay đang vùng lên mạnh mẽ
Tại Computex năm nay, việc AMD biểu diễn một vi xử lý 32 nhân tên là Threadripper 2 với hiệu năng đủ sức đánh bại những vi xử lý của Intel trong thời điểm hiện tại, việc này chẳng khác nào một cú tát mạnh mẽ AMD gửi đến Intel ngay trong kì hội nghị. Nếu Intel tiếp tục an tâm với việc hợp tác cùng AMD trong mảng sản xuất laptop thì rất có thể AMD sẽ có cơ hội để cắn thêm một miếng to hơn trong thị trường vi xử lý của Intel trong tương lai.
Khách hàng trung thành làm chủ cuộc chơi cũng là một vấn đề
Có thể nói một trong những khách hàng ruột của Intel chính là cái tên danh tiếng Apple, với các sản phẩm Mac sử dụng chip Intel vẫn mang lại một nguồn thu không nhỏ cho Intel trong suốt 10 năm qua. Nhưng hiện nay, với tiềm lực tài chính khổng lồ và những kĩ sư hàng đầu, lịch sử ấy đang dần khép lại.
Với sự ra đời của iPhone X cùng con chip A11 Bionic được chính Apple thiết kế sở hữu hiệu năng vượt trội so với đối thủ Samsung Galaxy S9, hãng này hoàn toàn đủ tự tin để có thể hoàn tất vòng sản xuất khép kín cho các sản phẩm của mình trong tương lai. Trên thực tế, có rất nhiều đồn đoán xung quanh việc Apple âm thầm thuê một số kĩ sư Intel về làm việc cho mình trong một dự án bí mật.
Nếu quả thực như vậy, trong tương lai không xa rất có thể các vi xử lí đến từ Intel sẽ biến mất khỏi sản phẩm của Apple. Đây là một viễn cảnh tồi tệ mà Intel chắc chắn không bao giờ mong muốn.
Viễn cảnh tương lai?
Mặc dù trên thực tế, AMD vẫn chưa đủ sức đối đầu với Intel hay Qualcomm vẫn còn đang đặt những bước chân đầu tiên của mình lên PC và cũng sẽ còn một khoảng thời gian trước khi Apple thực sự làm chủ được công nghệ vi xử lý. Nhưng sức ép từ 3 cái tên trên đang dần hiện hữu có thể là sẽ rõ ràng hơn vào 2019 thì Intel chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn duy trì tình hình tài chính của mình. Lẽ dĩ nhiên nếu viễn cảnh ấy xảy ra, những bộ vy xử lí hiệu năng tốt và giá thành hợp lí chắc chắn sẽ đến được tay người tiêu dùng phổ thông, cũng đáng để mong chờ đúng không?