Thông tin về việc GoViet hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek để chuyển thành Gojek Việt Nam tạo tâm điểm mặt báo trong suốt tuần qua không chỉ bởi cột mốc mang tính bước ngoặt của siêu ứng dụng này, mà còn ở quyết định bổ nhiệm vị sếp quốc gia trẻ tuổi sinh năm 1987 Phùng Tuấn Đức.
Cần phải nói thêm, Gojek là "siêu kỳ lân" (decacorn) đầu tiên của Indonesia và là một trong những decacorn đầu tiên tại thị trường Đông Nam Á. Decacorn (siêu kỳ lân) là khái niệm được xác định cho các công ty khởi nghiệp có giá trị từ 10 tỉ USD trở lên. Gojek cũng là cái tên “nóng” khi liên tục nhận được sự rót vốn từ các tên tuổi đình đám như Facebook, Paypal, Google, Tencent, Visa, Mitsubishi,... Gojek hiện đang phủ sóng tại hơn 200 thành phố, 5 quốc gia, kết nối hơn 2 triệu tài xế và 500 nghìn nhà hàng với hơn 20 sản phẩm, dịch vụ, chủ yếu dựa trên nền tảng xe mô tô 2 bánh. Gojek cũng là cái tên duy nhất trong ngành Ride-hailing (Tạm dịch: Dịch vụ gọi xe) hai lần lọt vào danh sách “Các công ty làm thay đổi thế giới" do tạp chí Fortune bình chọn.
Phùng Tuấn Đức là CEO trẻ nhất trong ba CEO của công ty kể từ ngày thành lập, lại được giao trọng trách dẫn dắt chương phát triển tiếp theo khi GoViet chuyển thương hiệu thành Gojek. Trong bước ngoặt quan trọng này, tập đoàn cũng đã thể hiện tham vọng tăng tỷ trọng thị trường quốc tế lên ngang hàng với thị trường Indonesia, thị trường mà Gojek đang độc tôn và được coi là biểu tượng quốc gia về khởi nghiêp.
CEO trẻ liệu có đủ sức “lèo lái” con thuyền?
Để tìm lời giải đáp chính xác cho câu hỏi này, có lẽ cần “lội ngược dòng” profile vị CEO trẻ Phùng Tuấn Đức từ những ngày đầu khởi nghiệp.
Cái tên Phùng Tuấn Đức từng xuất hiện trên không ít báo lớn cách đây 10 năm, nhưng với một tư cách hoàn toàn khác. Khi đó, Phùng Tuấn Đức là một trong số hiếm sinh viên Việt Nam nhận học bổng 200.000 USD của Wesleyan Freeman - một trong những chương trình học bổng cạnh tranh hàng đầu, chỉ dành 1 đến 2 suất cho sinh viên Việt Nam mỗi năm. Các diễn đàn tư vấn du học nổi tiếng nhất lúc đó, các buổi tọa đàm giao lưu tài năng trẻ, chia sẻ bí kíp săn học bổng không lúc nào thiếu sự xuất hiện của Phùng Tuấn Đức.
Trở về nước sau 4 năm du học tại Mỹ, Phùng Tuấn Đức dần nổi danh trong cộng đồng khởi nghiệp nhờ kinh nghiệm đa dạng trong lĩnh vực startup, chuyên sâu về các mô hình kinh doanh mang tính sáng tạo và trải nghiệm khách hàng. Trước khi đóng góp to lớn cho sự phát triển của GoViet trong 2 năm qua, ông Đức từng giữ nhiều vị trí quản lý cấp cao trong lĩnh vực bán lẻ, nhượng quyền, công nghệ và thương mại điện tử, như nền tảng thương mại điện tử Adayroi thuộc Vingroup, hay Cộng Cà phê - một trong những chuỗi cửa hàng kinh doanh cà phê thành công nhất tại Việt Nam. Ông Đức còn là nhà sáng lập kiêm điều hành Dynabyte - công ty triển khai trang web đấu giá xu trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam và một trang thương mại điện tử hàng đầu trong lĩnh vực thời trang.
Là nhà đồng sáng lập trẻ nhất nhưng cũng là người “trụ” lại lâu nhất ở GoViet cho tới thời điểm này, ông Đức đã từng bước chứng minh cho những người còn hoài nghi qua hàng loạt con số đáng gờm. Dưới sự điều hành của ông Đức trong vai trò xây dựng hệ thống vận hành và phát triển thị trường, GoViet đã đạt được những thành tựu đáng kể dù mới chỉ ra mắt từ 2018: tăng gấp đôi lượng đơn hàng từ 100 triệu lên 200 triệu chỉ trong vòng 6 tháng; giúp kết nối 150.000 tài xế và 80.000 nhà hàng với hàng triệu người dùng; liên tục duy trì tỷ lệ hài lòng của người dùng ở mức 98%.
Ông Đức cũng là người dẫn dắt việc ra mắt dịch vụ giao nhận đồ ăn GoFood tại TP.HCM (tháng 11/2018) và tại Hà Nội (tháng 04/2019), giúp phát triển GoFood thành một trong những nền tảng giao nhận đồ ăn trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam.
Thách thức ngồi “ghế nóng” mà CEO 33 tuổi phải đối mặt
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Phùng Tuấn Đức ngồi ở vị trí “ghế nóng”. Khi hai CEO tiền nhiệm – ông Nguyễn Vũ Đức và bà Lê Diệp Kiều Trang rời đi, ông Phùng Tuấn Đức đã hai lần được Tập đoàn Gojek tin tưởng phân công tạm quyền điều hành GoViet.
Ở cương vị CEO chính thức cho Gojek Việt Nam lần này, ông Đức chịu trách nhiệm thực hiện chiến lược mang tính địa phương hoá cao của Gojek tại thị trường Việt Nam, tiếp tục định hình việc phát triển sản phẩm. Bài toán mà ông Đức phải tìm lời giải là đảm bảo hoạt động kinh doanh bền vững, trong khi đồng thời tạo ra tác động xã hội tích cực trên cơ sở lấy khách hàng làm trọng tâm.
Việc GoViet hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek sẽ mang tới nhiều trải nghiệm mới mẻ cho người dùng.
Chia sẻ về việc chuyển đổi từ GoViet sang Gojek, ông Đức cho biết: “Chúng tôi sẽ có logo mới, bộ nhận diện thương hiệu mới. App mới sẽ mượt hơn, có nhiều tính năng hơn, dễ mở rộng sản phẩm, dịch vụ hơn. Các đối tác tài xế sẽ có trang phục mới, có phiên bản app riêng mới dành cho tài xế, nhà hàng sẽ có các chương trình hỗ trợ mới giúp họ tiếp cận với nhiều khách hàng hơn.”
Trong thời gian tới, khi truy cập GoViet, khách hàng sẽ được gửi link và hướng dẫn download Gojek - một phiên bản app hoàn toàn mới dựa trên nền tảng công nghệ toàn cầu. Người dùng có thể lưu giữ tài khoản cũ của GoViet để sử dụng ngay trên app Gojek mới mà không cần phải đăng ký lại. Ngoài ra, khách hàng có thể sử dụng ứng dụng Gojek ở tất cả các quốc gia có sự hiện diện của Gojek, bao gồm Việt Nam, Indonesia, Singapore và Thái Lan. Đây quả là thông tin hấp dẫn dành cho những người ưa dịch chuyển và thường xuyên du lịch các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Với điểm mạnh về sự am hiểu địa phương và thấu hiểu nhu cầu khách hàng, Tổng giám đốc trẻ được kì vọng tiếp tục tạo nên những mốc son kế tiếp cho Gojek Việt Nam trên chặng đường mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người Việt cùng cơ hội tăng thu nhập cho đối tác tài xế và nhà hàng.