Công nghệ AR, đưa điều không tưởng vào thực tế
Augmented Reality, thường được gọi tắt AR, là công nghệ tăng cường thực tế. Về cơ bản, AR là sự kết hợp đưa đối tượng ảo vào trong môi trường thực. Theo đó, người dùng có thể tương tác với đối tượng ảo 3 chiều (3D) trong môi trường thực tế, hay bắt lấy vật thể như trò chơi Pokemon Go.
Việc ứng dụng công nghệ AR rất đa dạng, ví dụ như khi muốn mua đồ nội thất trong nhà, bạn chỉ việc đưa camera của điện thoại hướng về nơi muốn đặt một chiếc sofa, AR sẽ gợi ý hàng loạt mẫu sofa 3D tạo sẵn với kích cỡ tùy biến để bạn ướm thử.
Google Arts & Culture là một minh họa AR ‘bỏ túi’ trên smartphone cho người mê du lịch lẫn văn hóa nghệ thuật.
Vui chơi, giải trí và giáo dục và ứng dụng AR đã được mở rộng sang nhiều lĩnh vực, từ bán lẻ hay bất động sản, mang lại trải nghiệm thuận tiện cho người tiêu dùng như khi chọn mua một mẫu nhà, hoặc ướm thử quần áo của shop ngay tại nhà mình.
Và trên đây chỉ là một số ứng dụng đã trở thành hiện thực với công nghệ AR, thị trường ứng dụng công nghệ này mang tiềm năng to lớn với ước tính trị giá thị trường là 18 tỷ USD năm 2023 (theo Statista).
Theo dự báo của Markets and Markets, giá trị thị trường có thể đạt đến 72,7 tỉ USD vào năm 2024 với các tên tuổi đầu ngành như Google, Microsoft, Apple, Facebook, Infinity Augmented Reality, Samsung Electronics, Magic Leap, Vuzix, Niantic...
Một trải nghiệm thế giới thông tin hấp dẫn hơn nhờ AR
Đối với Google Tìm kiếm, việc ứng dụng công nghệ AR không chỉ mang lại tiện lợi về thông tin hình ảnh trực quan cho người dùng mà còn thúc đẩy họ nghiên cứu khám phá thêm về những nội dung đó.
Minh chứng cho điều này là các nội dung AR trên Google Tìm kiếm về cơ thể người, hiển thị những bộ phận cơ thể rất trực quan để người dùng tương tác, từ bộ phận tiêu hóa, hệ hô hấp, hệ thần kinh, hệ xương, hệ cơ cho đến hệ sinh sản nữ… hay thậm chí là mặt cắt của tế bào động vật hoặc bộ đồ chuyên dụng của phi hành gia Neil Armstrong.
Mặt cắt lớp tế bào động vật được hiển thị 3D qua công nghệ AR trên Google Tìm kiếm. Ảnh minh họa: Google
Bộ sưu tập ‘khủng long kỷ Jura’ là một điểm nhấn tuyệt vời dành cho trẻ em và người đam mê tìm hiểu về các loài khủng long đã tuyệt chủng từ cách đây hàng chục đến trăm triệu năm.
Khủng long là loài động vật kích thích trí tò mò của bao thế hệ trẻ em về hình dáng, kích cỡ, thông tin cũng như đặc tính của chúng, nay được tái hiện và tương tác dễ dàng tương tự bộ sưu tập động vật gồm các loài thú hoang dã trên cạn lẫn dưới nước và thú cưng trong nhà.
Bên cạnh AR trong công cụ tìm kiếm giúp người dùng tương tác với các vật thể số hóa trong thế giới thật, một ứng dụng thực tiễn khác được sử dụng khá phổ biến từ Google là Google Lens sử dụng công nghệ AR để cung cấp nhanh kết quả tìm kiếm ngay trong thời gian thực.
Ngoài chức năng nhận diện và định nghĩa các vật thể như động thực vật, Google Lens có nhiều tính năng rất hữu ích như dịch ngay tức thời nội dung từ camera smartphone hay sao chép và dán nội dung văn bản, hoặc tiếp nhận nhanh nội dung quét từ một mã QR hay danh thiếp.
Không còn là những điều viễn tưởng trên phim, các ứng dụng công nghệ AR sẽ tiếp tục bùng nổ trong tương lai gần để phục vụ con người, nâng tầm trải nghiệm từ những điều nhỏ nhất cho đến điều vĩ đại.