Đây là lời dự báo của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSMA) và dự báo vào năm 2025, số lượng kết nối 5G tại khu vực châu Á có thể đạt được con số 675 triệu lượt, chiếm hơn 50% kết nối 5G toàn cầu.
Theo Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSMA), với việc công bố những khoản đầu tư lớn trong thời gian gần đây tại Úc, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, khu vực châu Á sẽ trở thành thị trường 5G lớn nhất thế giới vào năm 2025, trang Telecomlead.com cho hay.
Đưa ra dự đoán này, bởi theo kế hoạch, nhiều nhà mạng tại Úc, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ khai trương thương mại mạng 5G vào năm tới - 2019. Theo đà phát triển đó, số lượng kết nối 5G tại khu vực châu Á được dự báo có thể đạt tới con số 675 triệu lượt vào năm 2025, chiếm hơn 50% tổng lượng kết nối 5G trên toàn cầu.
Mạng công nghệ 5G sẽ nhanh chóng phát triển tại châu Á. |
Cũng theo dự báo, vào năm 2025, 62% kết nối di động của khu vực châu Á sẽ hoạt động trên các mạng 4G, trong khi kết nối di động hoạt động trên các mạng 5G sẽ là 14%.
Các chuyên gia của GSMA cho rằng, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ là những quốc gia đi tiên phong về mạng 5G, trong khi Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam sẽ theo sau về tiến độ triển khai, nhưng sẽ là những thị trường đóng vai trò thúc đẩy số lượng thuê bao 5G tăng trưởng nhanh nhờ vào lợi thế dân số đông.
Thậm chí, mặc dù được đánh giá là thị trường di động đang phát triển, nhưng một loạt nhà mạng tại Ấn Độ bao gồm Bharti Airtel, Idea Cellular, Vodafone, BSNL và Reliance Jio đều đã công bố các kế hoạch triển khai 5G trên quy mô lớn ngay sau khi chuẩn công nghệ 5G được ban hành chính thức bởi các tổ chức chuẩn hóa viễn thông thế giới.
Cũng theo GSMA, để có thể đạt được điều đó, các nhà khai thác mạng di động tại khu vực này sẽ phải bỏ ra một khoản đầu tư lớn với trị giá gần 200 tỷ USD trong vòng 3 năm (2018-2020) để nâng cấp hoàn chỉnh các mạng 4G lên 5G. Bù lại, doanh thu thị trường di động tại châu Á cũng tăng nhanh, có thể đạt mức 454 tỷ USD vào năm 2025, tăng 38 tỷ USD so với 416 tỷ USD trong năm 2017.
Mới đây nhất, trong một nỗ lực nhằm dẫn đầu trên thị trường 5G toàn cầu, Qatar - một quốc gia nhỏ bé nhưng nhiều năm liền duy trì ngôi vị quốc gia giàu nhất thế giới, đã "qua mặt" Mỹ và Hàn Quốc để khai trương mạng 5G đầu tiên trên thế giới.
Mặc dù được công nhận là quốc gia đầu tiên trên thế giới khai trương công nghệ mạng 5G, nhưng mạng 5G của Qatar "chưa thực sự hoàn chỉnh", bởi nó chưa thể cho phép người dùng thực hiện các cuộc gọi thoại thông thường như các mạng di động thế hệ trước, buộc phải thông qua một thiết bị kết nối trung gian (do chính nhà mạng này cung cấp) và điều đó đã làm khách hàng thất vọng. Theo nhận định của các chuyên gia viễn thông, mạng 5G của Qatar chưa đáp ứng đầy đủ các chuẩn 5G được ban hành bởi các tổ chức chuẩn hóa quốc tế.
Ngoài Qatar, công nghệ 5G hiện đang được nhiều quốc gia khác trên thế giới thử nghiệm và chuẩn bị các bước cần thiết để có thể chính thức thương mại hóa các mạng 5G hoàn chỉnh vào năm 2019.
Theo dự báo của GSMA, sẽ có 400 triệu thuê bao sử dụng công nghệ 5G vào năm 2022. |
Chẳng hạn tại Hàn Quốc, để giúp các nhà mạng có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai và thương mại hóa các dịch vụ trên nền mạng 5G, vào ngày 15/6 vừa qua, chính phủ nước này đã tổ chức đấu giá thành công các phổ tần 3,5 GHz và 28 GHz. Đây là những phổ tần sẽ được sử dụng để triển khai các mạng 5G tại Hàn Quốc.
Hồi tháng 3 vừa qua, nhà mạng KT (Hàn Quốc) đã chính thức công bố kế hoạch triển khai các dịch vụ 5G thương mại và dự kiến sẽ trở thành nhà mạng đầu tiên tại nước này cung cấp các dịch vụ 5G thương mại cho khách hàng. Ngoài KT, nhà mạng LG U+ cũng đã công bố các kế hoạch triển khai 5G trên quy mô lớn. Còn trước đó, cả SK Telecom, KT và LG U+ đều đã thử nghiệm công nghệ 5G tại Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018, giúp cả thế giới được chiêm ngưỡng những ứng dụng công nghệ đặc sắc do mạng 5G mang lại.
Tại Trung Quốc, nhờ sự phối hợp tốt giữa chính phủ với ngành viễn thông cũng như với các nhà mạng trong nước, giới chuyên gia nhận định là Trung Quốc có thể vượt mặt cả Mỹ trong cuộc đua 5G. Theo đó, Trung Quốc đã có kế hoạch triển khai 5G theo hướng thương mại hoá vào năm 2020.
Ngoài ra, các quốc gia hàng đầu về công nghệ khác như Mỹ, Úc và Nhật Bản cũng đang ráo riết triển khai các kế hoạch thương mại hóa mạng 5G, nhằm không bị bỏ lại quá xa trong cuộc đua 5G khu vực và thế giới.
Còn tại Việt Nam, hiện mạng viễn thông di động mới dừng lại ở công nghệ 4G. Trong tương lai gần, người dùng Việt có thể hy vọng sẽ sớm được trải nghiệm công nghệ mạng 5G, nhưng thời gian cụ thể chưa thể chắc chắn.