Nhạc chuông báo thức ám ảnh nhất trên iPhone
6 giờ sáng, Gyaltsen Moktan thức dậy trong hoảng sợ.
Đó là thời điểm năm 2019. Anh làm việc tại một nhà hàng buffet sushi ăn thỏa thích và chịu trách nhiệm mở cửa nhà hàng vào mỗi buổi sáng. Vì vậy, anh đặt báo thức trên iPhone.
Kể từ ấy, tiếng chuông báo thức "By the Seaside" của Apple luôn vang lên. Moktan đã chọn giai điệu tươi vui có sẵn làm nhạc chuông và báo thức trên nhiều thiết bị của Apple vì nghĩ rằng âm sắc dễ chịu của bài hát sẽ khiến việc thức dậy trở thành một trải nghiệm yên bình.
Nhưng kỳ vọng đó đã thành hiện thực tồi tệ. "Chuông báo thức cứ như kiểu đang chế nhạo bạn. Nó chẳng khác gì bộ phim kinh dị, nơi nhân vật hát những bài đồng dao trước khi cái chết ập đến", Moktan, hiện là giáo viên tiếng Anh ở Tokyo, Nhật Bản, nói với CNN.
"By the Seaside" có lẽ là là tiếng nhạc chuông gây chia rẽ nhất của Apple, khiến người ta liên tưởng đến tiếng móng tay cào lên bảng, cảm giác "ẩm ướt" và tiếng la hét của trẻ em trên máy bay.
Trước đây, điện thoại chỉ có một âm thanh duy nhất: tiếng chuông chói tai, reo liên tục của điện thoại cố định. Tuy nhiên, với rất nhiều nhạc chuông hiện có, âm thanh nói lên nhiều điều hơn về cách mọi người thể hiện bản thân — và những thứ có thể gây ra căng thẳng, lo lắng.
Có thể bạn không thấy cái tên "By the Seaside" quen thuộc nhưng thực ra bạn đã từng nghe nó ở đâu rồi. Trên YouTube thậm chí nhạc chuông này có cả các phiên bản biến tấu liên quan đến rap hay chơi trên nhiều nhạc cụ khác nhau.
"Một số người cho rằng đó là một nhạc chuông tuyệt vời. Nhưng người khác lại thốt lên Chúa ơi, thật khủng khiếp", Carlos Xavier Rodriguez, trưởng khoa lý thuyết âm nhạc tại Trường Âm nhạc, Sân khấu & Khiêu vũ thuộc Đại học Michigan, nói về giai điệu gây chia rẽ. "Bạn sẽ rất thích nó hoặc ghét nó cùng cực".
Từ tiếng gõ cửa đến tiếng chim hót líu lo
Chúng ta đã dựa vào những âm thanh báo thức đáng tin cậy trong nhiều thế kỷ, từ chuông nhà thờ đến tiếng gà trống gáy.
Một số còn sử dụng dịch vụ gõ cửa hoặc thuê người đến đánh thức bằng cách dùng gậy gõ vào cửa hoặc cửa sổ, cho đến những năm 1970 ở một số vùng của Anh.
Đồng hồ báo thức đầu tiên được biết đến ở Mỹ được phát minh bởi thợ đồng hồ Levi Hutchins ở Concord, New Hampshire vào năm 1787, nhưng đồng hồ của ông chỉ reo một lần vào lúc 4 giờ sáng.
Năm 1874, nhà phát minh người Pháp Antoine Redier được cấp bằng sáng chế cho chiếc đồng hồ báo thức cơ học có thể điều chỉnh được. Seth Thomas được cấp bằng sáng chế cho cơ chế lên dây cót vài năm sau đó và đồng hồ báo thức chạy điện được phát minh vào cuối thế kỷ 19.
Đồng hồ báo thức đã phát triển mạnh mẽ hơn kể từ đó. Một số thiết bị công nghệ cao ngày nay được thiết kế để phát ra ánh sáng mô phỏng bình minh, đánh thức người dùng một cách nhẹ nhàng bằng ánh nắng dịu nhẹ và những âm thanh thư giãn như tiếng chim hót hay tiếng sáo du dương.
Vừa yêu vừa ghét
Boston Flake, một học sinh trung học 15 tuổi ở Utah, Mỹ, nói rằng "By the Seaside" là tiếng chuông báo thức duy nhất có thể đánh thức cậu dậy mỗi sáng đi học.
Không phải một người dễ dậy sớm, anh chàng cố gắng tìm tiếng chuông báo thức là sự kết hợp của các bài hát, còi báo động ầm ĩ hay các âm trùng bùng nổ, nhưng đều không có tác dụng.
"Đó là một mối quan hệ yêu-ghét", Flake nói. "Đôi khi tôi còn nghe thấy tiếng ấy trong giấc mơ, tôi hơi giật mình và bắt đầu hoảng sợ".
"By the Seaside" có những yếu tố âm nhạc khiến bạn khó cảm thụ, Rodriguez nói. Không có điểm nhấn rõ ràng. Bài hát không kết thúc theo nhịp điệu trùng xuống nên không mang đến cảm giác trọn vẹn.
Nhưng yếu tố lớn hơn trong phản ứng cảm xúc của người dùng là yếu tố "thung lũng kỳ lạ" về mặt giai điệu, Rodriguez nói.
Hiện tượng thung lũng kỳ lạ là cảm giác khó chịu của con người đối với những thứ giống người thật nhưng không hẳn là con người như robot, búp bê hay thậm chí là chú hề.
Rodrigo cho biết: "By the Seaside" có âm thanh điện tử, sến súa của bàn phím Casio gợi nhớ đến âm nhạc được vi tính hóa mà không có sự tiếp xúc của con người một cách kỳ lạ.
Một bài đăng lan truyền trên X nói về nhạc chuông này đã thu hút 160.000 lượt like và 15.000 lượt đăng lại. Một số cho rằng giai điệu khiến họ rơi vào trạng thái phản ứng "bỏ chạy hoặc chiến đấu". Những người khác nói giai điệu khiến tim họ đập nhanh và sợ hãi.
Tiếng leng keng gây tranh cãi đến mức nó còn tạo ra những huyền thoại trên Internet. Tin đồn đã lan truyền trên mạng xã hội rằng ca sĩ nhạc pop Adele đã viết giai điệu này và nó đã mang lại nhiều tiền hơn toàn bộ đĩa hát của cô cộng lại. Tất nhiên đã có người tự nhận mình tung tin đồn và nghĩ rằng nó sẽ khiến mọi người và Adele vui.
Có người ghét nhưng vẫn có người thích. Krystal Roxas, chuyên gia về hệ thống chất lượng dược phẩm sinh học ở San Bruno, California, từng thức dậy mỗi ngày với nhạc chuông "Radar" mặc định.
Cô chuyển sang "By the Seaside" vào năm 2018 sau khi chuyển đến sống cùng bạn trai, nhưng anh ta phàn nàn rằng âm thanh báo thức đó khó chịu.
"Tôi thích By the Seaside. Tôi không biết tại sao mọi người lại ghét nó", Roxas, 34 tuổi, nói. "Tôi còn để cho bài hát chạy hết trước khi tắt, thậm chí là nhún nhẩy một chút trên giường".
Moktan, 26 tuổi, thì tin rằng việc người dùng ghét chuông báo thức có thể xuất phát từ việc họ thực chất ghét bất cứ thứ gì đánh thức mình dậy.
Anh từng đặt bài hát "Just the Two of Us" của Bill Withers và Grover Washington, Jr làm báo thức, trước khi thay đổi nó vì bỗng dưng bắt đầu thấy ghét bài hát này.
"Tôi vẫn chưa tìm được nhạc chuông yêu thích nào", Moktan nói.