Tại Mỹ, các bạn sinh viên thường cho rằng phải mài đũng quần trên giảng đường suốt 4 năm trời, đi kèm với đó là những khoản vay để nộp học phí lên đến hàng chục triệu đồng, là con đường duy nhất để đặt chân vào những công ty hàng đầu thế giới như Apple, Google, và Netflix.
Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng.
Các "sếp lớn" nổi tiếng như CEO Siemens Mỹ Barbara Humpton và CEO Apple Tim Cook từng đặt câu hỏi về tính cần thiết của những tấm bằng đại học. Ông Cook mới đây nói rằng khoảng nửa số nhân viên Apple tại Mỹ vào năm ngoái không hề có bằng đại học. Lý do ông đưa ra là nhiều đại học không dạy những kỹ năng làm việc mà các lãnh đạo công ty cần lực lượng nhân công của họ phải có nhất, như viết mã (code) chẳng hạn.
Humpton cũng bác bỏ suy nghĩ rằng một tấm bằng đại học sẽ đảm bảo cho bạn một sự nghiệp ổn định: "Thường thường, các nhà tuyển dụng sẽ nói rằng họ yêu cầu bằng đại học, trong khi trên thực tế chẳng có gì trong công việc đó thực sự đòi hỏi bằng đại học cả - nó chủ yếu giúp các nhà quản lý tuyển dụng phân loại ứng viên và gom lại một nhóm nhỏ các ứng viên đủ điều kiện mà thôi".
Hiện nay các công ty nổi tiếng như Google và Apple đang thuê về những nhân viên sở hữu kỹ năng cần thiết để hoàn thành tốt công việc, bằng cấp hay không không quan trọng. LinkedIn nhận thấy nhiều trong số những công ty hấp dẫn nhất để làm việc không yêu cầu các nhân viên phải có bằng đại học. Sau khi phân tích sâu hơn dữ liệu, LinkedIn đã xác định được những vị trí cụ thể trong công ty có thể đảm đương bởi các nhân viên chưa tốt nghiệp đại học, bao gồm kỹ thuật viên điện tử, nhà thiết kế cơ khí, và các đại diện marketing.
Dù vậy, bằng đại học vẫn có giá trị của nó. Những nhân viên có ít nhất một bằng cử nhân kiếm được số tiền cao hơn 932 USD so với thu nhập trung bình hàng tuần của tất cả các nhân viên trong năm 2018 – theo một bản báo cáo gần đây từ Cục thống kê Lao động Mỹ.
Nhưng bởi những tấm bằng đại học thường để lại hệ lụy là sinh viên phải gánh những khoản nợ lớn, nhiều người Mỹ không thể chi đủ tiền để có được chúng. Chỉ 42% học sinh trung học tiếp tục học lên đại học (4 năm) hoặc cao đẳng (2 năm) – theo Bộ Giáo dục Mỹ. Ngay cả trong số những sinh viên đã tốt nghiệp đại học, một số lượng khá đáng kể vẫn phải làm những công việc không đòi hỏi phải có một tấm bằng đại học.
Trong bối cảnh tự động hóa sẽ sớm thay thế đến một phần tư lực lượng lao động trong tương lai, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu hiện đang tìm kiếm những giải pháp thay thế để giúp chuẩn bị cho các nhân viên trẻ những kỹ năng cần thiết cho công việc. Ví dụ, theo tờ Business Insider, những chương trình học việc hòa trộn giữa học tập ở trường và ở nơi làm việc có thể giúp chuẩn bị tốt hơn cho lực lượng lao động của tương lai.
"Công ty của chúng tôi, như bạn đã biết, được sáng lập bởi một người đã bỏ trường đại học" – Cook nói. "Do đó chúng tôi chưa bao giờ thực sự nghĩ rằng bằng đại học là thứ bạn phải có mới làm việc tốt được. Chúng ta phải luôn cố mở rộng kinh nghiệm của bản thân".