Bệ phóng công nghệ cho y tế

Nhiều thiết bị và ứng dụng công nghệ đang mang những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiên tiến đến mọi nơi.

Trong khi nhiều người dùng điện thoại thông minh chủ yếu để chơi game và giết thời gian với những trò như Angry Birds hay Candy Crush thì chiếc siêu máy tính bỏ túi này lại có thể làm được nhiều thứ có ích thực sự cho đời sống, mà cụ thể nhất là nó đã chứng minh tính hữu ích trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, nhất là ở những quốc gia đang phát triển. Ví dụ, camera của điện thoại có thể chuyển thành thiết bị phân tích máu. Mà theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng 400 triệu người trên toàn cầu chưa thể tiếp cận được các dịch vụ y tế. Nên việc áp dụng và đưa chiếc điện thoại thông minh trở thành cầu nối giữa người dân và hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe để điều trị bệnh, nhất là đối với những khu vực vùng sâu, vùng xa là rất cần thiết. Từ những chiếc kính hiển vi bằng giấy cho đến những bộ phận cơ thể làm giả bằng in 3D đang trở thành xu hướng mới, cách mạng hóa ngành chăm sóc y tế của nhiều quốc gia.

Giấy hay nhựa?

Có thể giấy đang từ từ biến mất ở các kệ tài liệu, tủ sách hay giấy gói hàng nhưng một ngày nào đó, giấy trở thành phương thức mà các bác sỹ dùng để chẩn đoán những căn bệnh nguy hiểm nhất.

Công ty Foldscope đang phát triển một chiếc kính hiển vi phần lớn làm từ giấy, có giá chỉ vỏn vẹn 0,57 USD (khoảng 12.000 đồng). Trong suốt giai đoạn thử nghiệm năm 2014, Foldscope phân phát 50.000 chiếc kính hiển vi dạng này đến 135 quốc gia. Người sử dụng có thể nhận diện được thuốc giả, vi khuẩn trong nước và nhiều thực thể khác có thể gây hại cho sức khỏe.

Một công ty khác gốc ở Stanford, Mỹ, tên là Paperfuge phát triển một chiếc máy ly tâm cũng làm từ giấy, với chi phí khoảng 0,2 USD, có thể quay ở tốc độ cao để tách các mẫu chất lỏng sinh học. Trong khi hầu hết máy li tâm dùng trong các phòng thí nghiệm sử dụng điện và motor thì Paperfuge phần lớn sử dụng một vòng gỗ giống với vòng xoay con vụ đồ chơi, làm từ giấy, nhựa và sợi dây xuyên giữa. Mẫu máu thử sẽ được đặt ở giữa đĩa xoay Paperfuge, sau đó người dùng xoay đĩa Paperfuge đến 125.000 vòng mỗi phút. Chỉ 90 giây sau, Paperfuge có thể tách mẫu máu thành các thành phần để có thể chẩn đoán được bệnh sốt rét và các loại bệnh khác.

Ngoài ra, có nhóm nhà nghiên cứu tại đại học MIT cũng phát triển một dải giấy giá 2 USD để có thể chẩn đoán bệnh ebola, sốt xuất huyết và sốt vàng da. Họ sử dụng một công nghệ thẩm thấu (cũng sử dụng trong các dụng cụ thử thai). Một mẩu máu của bệnh nhân sẽ được nhỏ lên dải thử ấy và máu sẽ thẩm thấu qua một lớp lọc giống như phin cà phê. Mẩu máu sẽ tương tác với các phân tử nano đặc biệt có trong dải giấy ấy và máu sẽ chuyển sang màu đặc trưng, thể hiện tình trạng bệnh của bệnh nhân.

Tận dụng ánh nắng

Nhận ra có nhiều quốc gia đang phát triển còn thiếu điện để chạy các thiết bị y tế, nên một nhóm các nhà khoa học MIT đã ứng dụng điện mặt trời để tạo ra nồi hấp, là thiết bị phổ biến trong các bệnh viện và các trung tâm giải phẫu để thanh trùng các thiết bị y tế. Có tên gọi là SolarClave, thiết bị này không chạy bằng điện hay xăng dầu mà chỉ có mức giá tầm 400 USD. Bằng cách đơn giản hóa quy trình thanh trùng các thiết bị giải phẫu, các bước trong quy trình giải phẫu được giảm đi nhiều, nhất là đối với các trung tâm y tế vùng sâu, vùng xa, giúp ích rất nhiều cho các y bác sỹ, tiết kiệm nhiều thời gian.

Điện mặt trời cũng giúp phục hồi thính giác cho khoảng 400 triệu người có bệnh về thính giác ở các quốc gia đang phát triển. Một công ty gốc Brazil tên là Solar Ear vừa phát triển được một thiết bị trợ thính sử dụng năng lượng mặt trời để sạc pin, có thể dùng đến hai năm thay vì những loại pin thường dùng được chỉ một tuần trong các máy trợ thính phổ biến hiện nay. Công ty này hiện đang tập trung phát triển thiết bị cho trẻ em.

In thiết bị y tế

Công nghệ in ấn 3D cũng thay đổi cách các thiết kế và sản xuất thiết bị y tế, và công nghệ này đã chứng minh tiềm năng to lớn của nó trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giúp y bác sỹ dễ dàng được trang bị tốt hơn, giá cả dễ chấp nhận hơn và nhất là thiết bị có thể cá nhân hóa cho từng bệnh nhân. Thanh nẹp xương, đĩa đệm, khớp… có thể được in ra trực tiếp ngay tại bệnh xá. Các thiết bị trợ giúp đi lại, thiết bị giả dùng cho các bệnh nhân xương khớp rất dễ in ra và cấy ghép. Những công ty như Not Impossible Labs hay e-BABLE đang đẩy mạnh ứng dụng in ấn 3D để tạo ra các chi giả sao cho nhanh chóng và rẻ. Và trong khi công nghệ này còn đang được thí điểm tại Mỹ thì rõ ràng vấn đề còn lại chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

e-NABLE sử dụng công nghệ in 3D để in các chi hay các bộ phận cần cấy ghép cho cơ thể.

Chuyên gia từ điện thoại thông minh

Theo báo cáo Pew Research hồi năm 2015, có hơn 24% người dân sống trong các quốc gia đang phát triển sở hữu điện thoại thông minh. Đây là số liệu cũ, trong khi một nghiên cứu khác cho thấy 11% người dân trên toàn cầu thiếu nguồn nước uống an toàn và sạch sẽ. Nhưng xét trên nhiều góc độ, sở hữu được điện thoại thông minh là điều tốt. Vì ở nhiều quốc gia đang phát triển, điện thoại trở thành một kênh thông tin về y tế, cho phép bác sỹ vùng sâu vùng xa chẩn đoán bệnh và điều trị bệnh ở hầu hết mọi nơi.

Một trong những công ty gốc Mỹ là Rijuven đã phát triển một bộ y tế tên là "Clinic in a Bag" (tạm dịch là "trạm xá trong chiếc túi"), có chứa đến tám thiết bị y tế có kết nối đến điện thoại thông minh, có thể dễ dàng mang đi mọi nơi để khám bệnh. Hiện "Clinic in a Bag" đang được thử nghiệm ở vùng hẻo lánh miền Hyderabad, Ấn Độ từ cuối năm 2015. Ở đó, bác sỹ có thể chẩn đoán được các bệnh tim mạch chỉ trong vòng vài phút ngay khi tiếp cận được bệnh nhân. Các công ty khác cũng tận dụng camera của điện thoại để làm dụng cụ đo khám mắt, tai và da để tìm bệnh.

Một loại công nghệ khác cũng biến chiếc điện thoại thông minh thành phòng thí nghiệm, chẩn đoán di động. Công nghệ này có cái tên tạm là "lab-on-chip", là những thiết bị ứng dụng điện thoại thông minh hay tận dụng chính người dùng để phân tích mẫu máu hoặc các dịch sinh học khác. Bằng cách áp dụng các cơ chế cơ, điện, các mẫu thử có thể được tách, trộn với các chất hóa học khác, được tạo hình bằng cảm biến, và được phân tích để phát hiện bệnh như HIV hay ung thư ngực. Trên hết, lab-on-chip có thể có chi phí sản xuất rất rẻ, như một lab-on-chip ở Stanford phát triển chỉ chưa đến 10.000 đồng vì được sản xuất chỉ bằng một chiếc máy in phun thông thường.

Solar Ear cho phép người dùng sạc bất kỳ loại thiết bị trợ thính nào bằng năng lượng mặt trời.

PC WORLD VN, 02/2018