Theo Wired, bệnh viện chuyên khoa và Trung tâm nghiên cứu King Faisal (KFSHRC) tại Ả Rập Xê Út đã trở thành cơ sở chăm sóc sức khỏe đầu tiên trên thế giới thực hiện ca ghép tim hoàn toàn bằng robot. Ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công trên một bệnh nhân 16 tuổi bị suy tim giai đoạn tiến triển, đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển các thủ thuật ghép tim.
Ca phẫu thuật kéo dài hai tiếng rưỡi, do Tiến sĩ Feras Khaliel, bác sĩ phẫu thuật tim hàng đầu của Ả Rập Xê-út, chỉ đạo, đã cho thấy tiềm năng to lớn của phẫu thuật bằng robot trong lĩnh vực y tế.
Không giống như các ca ghép tim truyền thống đòi hỏi đường rạch vết mổ phải mở lớn khiến thời gian phục hồi lâu hơn, quy trình mang tính cách mạng này sử dụng kỹ thuật robot ít xâm lấn, tiếp cận và thay thế tim mà không cần rạch ngực. Phương pháp này hứa hẹn phục hồi nhanh hơn, giảm đau và ít biến chứng hơn cho bệnh nhân.
Trước khi phẫu thuật, Bác sĩ Khaliel đã tập hợp một nhóm y tế chuyên khoa, nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự hợp tác và phối hợp. Ông đã tỉ mỉ tóm tắt cho từng thành viên về những phức tạp của quy trình, đảm bảo cả sự an toàn của bệnh nhân và sự thành công chung của ca phẫu thuật.
Nhóm các y bác sĩ đã tham gia vào một quá trình huấn luyện chuyên sâu, bao gồm cả mô phỏng thực tế ảo được lặp lại bảy lần trong ba ngày. Việc lập kế hoạch tỉ mỉ này đảm bảo độ chính xác và giảm thiểu rủi ro liên quan.
Ca ghép tim thành công này đại diện cho sự thay đổi mô hình trong chăm sóc tim, chứng minh hiệu quả của phẫu thuật bằng robot trong các thủ thuật tim phức tạp. Bằng cách thay thế phương pháp mở lồng ngực thông thường bằng các kỹ thuật hỗ trợ bằng robot, KFSHRC đang thiết lập các tiêu chuẩn mới cho phẫu thuật tim, mang lại kết quả và trải nghiệm tốt hơn cho bệnh nhân.
Thành tựu này không chỉ củng cố danh tiếng của Ả Rập Xê Út là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về chăm sóc sức khỏe mà còn phản ánh sự tận tâm của KFSHRC trong việc thúc đẩy các hoạt động y tế. Là một trung tâm đào tạo chuyên biệt về cấy ghép nội tạng bằng robot, KFSHRC đi đầu trong đổi mới y tế, hợp tác với các tổ chức quốc tế để đào tạo các chuyên gia và thúc đẩy phát triển các kỹ thuật cấy ghép ít xâm lấn.