Câu hỏi lớn lúc này là làm thế nào để hạn chế các vấn đề liên quan đến bản quyền khi xây dựng kênh YouTube?
Hiện tại, YouTube có cung cấp công cụ Copyright Match, cho phép bạn kiểm tra nhanh các video sắp tải lên có dính bản quyền hay không. Tuy nhiên, công cụ này chỉ có sẵn cho những kênh đã tham gia chương trình đối tác YouTube.
Khi bạn tải video lên, công cụ này sẽ tự động quét video của bạn với video của người khác để đảm bảo không có điểm nào tương đồng hoặc có, nhưng ở mức tối thiểu.
Thông thường, vấn đề bản quyền thường liên quan đến video hoặc âm thanh. Để kiểm tra kênh của bạn có dính bản quyền hay không, người dùng chỉ cần truy cập vào YouTube, sau đó nhấp ảnh đại diện ở góc trên bên phải và chọn YouTube Studio.
Mục Dashboard (tổng quan) là nơi hiển thị các thông tin tổng quan liên quan đến kênh YouTube của bạn. Nếu muốn kiểm tra lượt view hoặc các cảnh báo, bạn chỉ cần chuyển sang mục Video ở ngay bên dưới.
Khi nhận được khiếu nại bản quyền về âm thanh, video của bạn có thể bị tắt tiếng ở một vài đoạn hoặc toàn video, trong trường hợp nặng hơn là bị tắt kiếm tiền, không khả dụng ở một số quốc gia hoặc bị “ăn gậy”.
Bên cạnh đó, YouTube cũng gợi ý một số việc mà người dùng nên làm để thoát khỏi vấn đề đó (nếu có).
Để hạn chế tình trạng dính bản quyền trong tương lai, bạn nên nghiên cứu kỹ thông tin về video và âm nhạc, đảm bảo chúng không có bản quyền hoặc mua tài khoản nhạc trên Artlist, Epidemic Sound… hoặc sử dụng thư viện âm nhạc miễn phí của YouTube.
YouTube, Facebook... đều cung cấp cho người dùng kho âm thanh miễn phí. Ảnh: MINH HOÀNG
Lưu ý, Facebook cũng cung cấp kho âm thanh miễn phí, tuy nhiên, nó chỉ an toàn khi bạn sử dụng và đăng video trên Facebook, tương tự đối với YouTube. Nếu đăng video sang nền tảng khác, video hoàn toàn có thể bị bắt bản quyền.
Rất khó để biết video của bạn có bị dính bản quyền hay không, do đó, người dùng có thể tạo một tài khoản YouTube thử nghiệm. Với tài khoản này, bạn hãy sẽ tải video lên trước để hệ thống kiểm tra, nếu mọi thứ suôn sẻ, người dùng hãy tải video tương tự lên tài khoản chính để mọi người cùng xem.
Đây có lẽ là cách tốt nhất để đảm bảo kênh YouTube của bạn luôn được an toàn, nếu không, sau ba lần bị “ăn gậy” hoặc bị cảnh cáo nhiều trong một khoảng thời gian nhất định, kênh của bạn sẽ bị tắt kiếm tiền hoặc tệ hơn nữa là bị xóa kênh cùng với tất cả video.