Cao gấp 23 nghìn tỷ lần lúc mới ra đời, độ khó khi đào Bitcoin lại lên một tầm cao mới

Nguyên nhân được cho là do nhiều người mới tham gia đào Bitcoin khiến độ khó tiếp tục được điều chỉnh tăng lên.

Độ khó khi đào Bitcoin vừa lên mức cao nhất từ trước đến nay, tăng lên gần 6% so với lần điều chỉnh gần nhất.

"Độ khó" ở đây nhằm chỉ nguồn lực cần có để đào Bitcoin (BTC). Độ khó này lên hay xuống phụ thuộc vào tổng lượng hashrate của mạng Bitcoin trong một khoảng thời gian nhất định (số lượng người tham gia đào càng nhiều thì độ khó càng tăng). Bitcoin được lập trình để điều chỉnh độ khó mỗi 2.016 block, tương đương 2 tuần, để đảm bảo mỗi block mới được đào ở tỷ lệ ổn định.

Nếu coi độ khó khi đào Bitcoin khi đồng tiền kỹ thuật số này ra đời là 1 thì sau lần điều chỉnh này, độ khó đó đã lên mức 23,1 nghìn tỷ. Theo số liệu của CoinDesk. BTC.com xác định, độ khó khi đào Bitcoin đã tăng thêm gần 6% so với mức 21,8 nghìn tỷ trong lần điều chỉnh tăng gần nhất.

Cao gấp 23 nghìn tỷ lần lúc mới ra đời, độ khó khi đào Bitcoin lại lên một tầm cao mới - Ảnh 1.

Giá Bitcoin tăng cao, ngày càng nhiều người tham gia đào Bitcoin khiến cho độ khó tiếp tục tăng lên

Sở dĩ độ khó được điều chỉnh tăng cao trong lần này là vì đã có thêm hàng chục nghìn máy đào mới tham gia đào Bitcoin, theo CEO Whit Gibbs của Compass. "Màn điều chỉnh độ khó lần này đã được dự báo trước. Tôi tin rằng nó chỉ là khởi đầu cho những sự tăng tiến tiếp theo trong năm nay và năm 2022 khi các đơn hàng máy đào Bitcoin bị chậm trước đây được giao trở lại. Độ khó chắc chắn sẽ tăng lên, song song với giá Bitcoin", Gibb nói.

Tính đến chiều ngày 2/4, giá Bitcoin ở mức 59.850 USD/BTC trong khi vốn hóa thị trường đạt 1,12 nghìn tỷ USD. Cho đến nay Northern Data AG (Frankfurt, Đức) - công ty chuyên cung cấp giải pháp siêu máy tính và trung tâm dữ liệu - được xem là hãng đào Bitcoin lớn nhất thế giới. Công ty này bắt đầu các hoạt động khai thác Bitcoin từ năm 2009, sau đó mở ra dịch vụ vận hành máy đào cho các đối tác.

Để "đào" Bitcoin, người ta sẽ sử dụng máy tính, thường là những dàn máy chuyên dụng được kết nối với mạng lưới tiền điện tử. Nhiệm vụ của chúng là xác minh các giao dịch được thực hiện bởi người gửi hoặc nhận Bitcoin.

Quá trình này liên quan đến việc giải các mật mã, đóng vai trò như rào cản để đảm bảo không ai có thể chỉnh sửa gian lận trong cuốn sổ cái toàn cầu ghi lại mọi giao dịch. Như một phần thưởng, các thợ đào sẽ nhận được một lượng nhỏ Bitcoin.

Đẩy nhanh tốc độ và tăng lợi nhuận, họ thường kết nối số lượng lớn các máy tính đào thành một mạng lưới duy nhất. Quá trình này ngốn rất nhiều điện năng vì các máy tính sẽ phải làm việc liên tục để giải các câu đố nói trên. Theo Chỉ số tiêu thụ điện năng Bitcoin Cambridge (CBECI) do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cambridge (Anh) biên soạn, tổng mức tiêu hao năng lượng của quá trình đào Bitcoin trong năm nay có thể đạt mức 128 tỉ kWh. Con số này chiếm 0,6% tổng lượng điện sản xuất của thế giới.

Ảnh: Internet