Không giống như KOL (Key Opinion Leaders - những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng, với người hâm mộ đông đảo), KOC được hiểu là một người tiêu dùng am hiểu và đầy trải nghiệm. Họ chủ động lựa chọn sản phẩm, thương hiệu, đưa ra đánh giá và cảm nhận của bản thân mà không bị phụ thuộc vào bất cứ kênh media hay Agency. Hiện KOC đang dần thay đổi và trở thành “công cụ” hiệu quả của các doanh nghiệp, nhà bán lẻ.
Trong phiên thảo luận với chủ đề " Hấp thụ KOC: Biến khách hàng thành đối tác kinh doanh" tại VSMCamp và CSMOSummit 2023, ông Đặng Tiến Hoàng (ViruSs), Tổng Giám đốc 108 Gaming (công ty chuyên đào tạo các streamer, Youtuber) cho biết, ông có hơn 20 phiên livestream trong vai trò KOC. Ở buổi livestream gần nhất, chỉ sau 30 phút, ông đã chốt doanh thu cho nhãn hàng ở mức gần 2 tỷ đồng.
Từ ví dụ này, ông Hoàng nhận định giá trị mà KOC mang lại cho nhãn hàng luôn là những con số doanh thu cụ thể và nhanh chóng.
Đây cũng là “sức mạnh” của KOC trong thời điểm kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nên KOC đang được xem là lựa chọn tối ưu của nhãn hàng trong khoảng thời gian gần đây.
Bên cạnh thế mạnh, Viruss nhấn mạnh KOC cũng có những hạn chế nhất định, nên nhãn hàng cũng cần thận trọng trong việc chọn lựa KOC phù hợp. (Ảnh: Trịnh Trang)
Ông Đặng Tiến Hoàng chỉ ra 4 yếu tố tạo nên công thức tạo nên thành công cho KOC trong thị trường mới đó là content (nội dung) sáng tạo, hiểu insight (nội tâm, tâm lý) người dùng cùng kênh mạng xã hội (social channel) và hệ thống mega livestream để truyền thông rộng rãi.
Còn đặt hàng các KOC chỉ đơn thuần làm những clip review đơn giản, lồng ghép những yếu tố giải trí, trending để thu hút người xem thì lại là một chuyện khác, không nên đính kèm thêm doanh số.
“ KOC không “thần thánh hoá” được doanh thu. Một KOC làm tốt phần của mình thì sự hỗ trợ của hệ thống mega livestream của các đơn vị truyền thông sẽ là cầu nối giúp bùng nổ doanh số ”, ông Hoàng chia sẻ.
CEO 108 Gaming nhận định, với thực trạng kinh tế khó khăn, việc tối ưu chi phí và đạt doanh số thực tế mới là điều quan trọng nhất của doanh nghiệp, còn người tiêu dùng lại đặt nặng về giá cả. Vậy KOC trở thành kênh trung gian có thể đáp các mong muốn đó.
Đánh giá KOC ở khía cạnh khác, ông Andy Đặng (Giám đốc kinh doanh chi nhánh TP.HCM của OMEGA) cũng nhấn mạnh việc lựa chọn KOC trong thời điểm hiện tại cũng gặp không ít khó khăn. Đa phần các doanh nghiệp vẫn chưa định nghĩa cụ thể và vẫn coi KOC như một KOL hay người có tầm ảnh hưởng ở cộng đồng nhỏ, với mức độ trung thành với nhãn hàng thấp.
Thêm vào đó là những cũng rủi ro khi KOC chưa hiểu rõ về nhãn hàng, đẩy tính năng của sản phẩm “quá lố” gây tranh cãi và thiệt hại cho nhãn hàng. Mặc dù KOC là một điểm chạm mới tiềm năng của thương mại xã hội nhưng giữa KOC và nhãn hàng vẫn có những bài toán cần được giải.
Ông Andy Đặng nhấn mạnh nếu coi mỗi KOC là một thị trường riêng thì điều mà các nhãn hàng nên quan tâm là “tỷ lệ chuyển đổi từ tệp người theo dõi của KOC thành khách mua hàng” và xác định vai trò của KOC trong từng chiến dịch, và liệu họ có phù hợp với mục tiêu nhãn hàng hay không.