Nghị định số 163, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông, được ban hành ngày 24/12, trong đó bổ sung việc xác thực thông tin thuê bao di động.
Cụ thể, Điều 16 của nghị định nêu ba hình thức đăng ký thông tin thuê bao gồm: trực tiếp tại điểm do doanh nghiệp sở hữu và thiết lập; trực tiếp tại điểm được ủy quyền; và trực tuyến thông qua sử dụng ứng dụng của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông sở hữu.
Việc cho phép đăng ký thuê bao trực tuyến là điểm mới của nghị định 163 so với trước đây. Việc đăng ký thông tin thuê bao theo hình thức trực tuyến sẽ được áp dụng đối với ba số thuê bao đầu tiên trên cùng một giấy tờ tùy thân của người dùng. Họ có thể dùng thẻ CCCD hoặc tài khoản định danh VNeID, có thể được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện đăng ký sim.
Nghị định 163 cũng đề cập việc áp dụng giải pháp cuộc gọi ghi hình (video call) để thu thập, kiểm tra, xác minh thông tin khách hành phải "đảm bảo hiệu quả như quy trình nhận biết, xác minh thông tin qua gặp mặt trực tiếp".
Theo đó, giải pháp video call phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu gồm: an toàn, bảo mật theo quy định pháp luật; có độ phân giải cao, tín hiệu liên tục, cho phép tương tác âm thanh, hình ảnh với khách hàng theo thời gian thực. Việc này để đảm bảo nhận diện người thật và trong ứng dụng phải thể hiện được hình ảnh nhân viên giao dịch và khách hàng đăng ký thông tin thuê bao.
Thông tin cũng phải được xác thực đảm bảo trùng khớp tối thiểu ba trường thông tin gồm họ tên, ngày sinh, số định danh cá nhân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thực tế thời gian qua, nhà mạng tại Việt Nam cũng đã sử dụng giải pháp kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Khi người dùng đăng ký sim trực tiếp tại điểm dịch vụ của nhà mạng, họ vẫn phải trải qua một bước xác minh bằng video call qua ứng dụng.
Nghị định 163 cũng nêu rõ với trường hợp xuất trình giấy tờ không đúng quy định hoặc bản số hóa của giấy tờ không rõ ràng, thiếu thông tin hoặc có thông tin không được xác thực, nhà mạng có thể từ chối giao kết hợp đồng, cung cấp dịch vụ. Doanh nghiệp viễn thông chỉ được cung cấp dịch vụ cho thuê bao sau khi đã hoàn thành đăng ký và xác thực. Trong trường hợp không xác thực được, người dùng sẽ phải đến làm thủ tục trực tiếp.
Ngoài ra, để tránh tình trạng đăng ký sim không chính chủ, nghị định cũng yêu cầu khi đăng ký sim di động thứ hai, người dùng phải xác thực thông qua mã xác thực một lần (OTP) gửi đến sim đã đăng ký, kích hoạt trước đó.
Việc khai báo thông tin thuê bao qua ứng dụng trực tuyến từng được Cục Viễn thông thí điểm cuối 2022 trong chiến dịch rà soát, chuẩn hóa thuê bao, giúp người dân không cần đến điểm giao dịch của nhà mạng. Một số nhà mạng sau đó áp dụng giải pháp này để triển khai đăng ký và kích hoạt sim qua hình thức online. Tuy nhiên đến tháng 10/2023, việc này bị dừng do chưa có quy định cho phép, đồng thời việc đăng ký online không được kiểm soát tốt tiềm ẩn rủi ro phát sinh sim không chính chủ, sim rác.
Ngoài quy định mới về quản lý thông tin thuê bao di động, Nghị định 163 có một số điểm mới, được đánh giá quan trọng trong việc cấp phép viễn thông, quản lý hạ tầng viễn thông, quản lý thị trường viễn thông; và quản lý ba dịch vụ mới gồm dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet.