Ngày 8-5, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người".
Tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết thời gian qua, loại tội phạm mua bán người đã lợi dụng sự phát triển của công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, theo ông Ngọc, tỉ lệ xử lý nhóm tội phạm này chưa đạt như các nhóm tội phạm khác là do nhiều nguyên nhân.
Bộ Công an đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), đã góp phần làm chuyển biến tình hình.
Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã thực hiện quyết liệt việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động theo Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Kết quả, đến ngày 15-4, số thuê bao không xác thực chính chủ đã bị cắt liên lạc 2 chiều.
Từ việc chuẩn hóa thông tin thuê bao đã phát hiện 1,2 triệu thuê bao không xác thực chính chủ và không ít trong đó tiềm ẩn việc tội phạm sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội; số SIM còn lại chủ yếu là SIM khuyến mãi đã không còn được sử dụng.
Để có thêm biện pháp ngăn chặn, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay tới đây, bộ sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để tiến hành xác thực tài khoản thanh toán.
"Với các biện pháp trên hạn chế được vấn đề tội phạm lừa đảo, phạm tội trên không gian mạng, lợi dụng công nghệ cao dưới hình thức SIM điện thoại hay thanh toán tài khoản, tiền" - Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm: Tất cả tài khoản định danh sẽ đều phải xác thực danh tính
Tham gia phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết Bộ TT-TT và Bộ Công an đã có cơ chế phối hợp cụ thể trong việc xác thực tài khoản trên mạng khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, hiện nay có khó khăn trong việc xác thực là đối tượng phạm tội sử dụng tin nhắn bằng ứng dụng OTT của nền tảng xuyên biên giới.
Vì vậy, khi sửa Luật Viễn thông trong thời gian tới đây sẽ bổ sung quy định việc quản lý các ứng dụng OTT viễn thông xuyên biên giới như các nền tảng trong nước. Nếu các nền tảng này không đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý sẽ bị ngăn chặn.
Cùng với đó, đến cuối năm nay, Bộ TT-TT sẽ tham mưu trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế các nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng với thay đổi rất quan trọng.
"Tới đây, sẽ yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh. Việc này áp dụng cho cả mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok... Từ đó, các tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị đấu tranh, ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau" - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng việc ngăn chặn, xóa bỏ các tài khoản mạng xã hội vi phạm, kể cả tài khoản của nền tảng xuyên biên giới Bộ TT-TT cũng làm được. Tuy nhiên, khi ngăn chặn, xóa bỏ thì vô hình trung làm mất đi dấu vết, chứng cứ, gây khó khăn cho việc củng cố chứng cứ, đấu tranh của các lực lượng khác.