Chuẩn tin nhắn RCS sẽ sớm soán chỗ SMS

Mặc dù cực kỳ phổ biến, nhưng tin nhắn SMS đã và đang bộc lộ rất nhiều nhược điểm. Điều này dẫn tới nhu cầu thay thế SMS bằng một công nghệ mới, tiên tiến hơn có tên là RCS.
RCS được viết tắt từ Rich Communication Service - tức dịch vụ truyền thông đa dạng, đang được coi là tương lai của việc nhắn tin trên điện thoại. Đúng như tên gọi, RCS kỳ vọng sẽ đem tới nhiều trải nghiệm mới theo hướng tiện ích và tuyệt vời hơn hẳn SMS truyền thống dành cho người dùng, khi gửi tin nhắn văn bản và tin nhắn đa phương tiện.
Các mạng xã hội đang triển khai những mô thức tin nhắn tiện ích hơn hẳn SMS.
Chuẩn tin nhắn SMS (Short Messaging Service, hay dịch vụ tin nhắn ngắn) là một giao thức viễn thông đã tồn tại từ lâu trong thế giới điện thoại, dựa vào 3 công nghệ di động quan trọng là GSM, CDMA và TDMA. Theo đó, SMS có thể cho phép người dùng gửi đi những thông điệp dạng văn bản với độ dài tối đa 160 ký tự, kể cả các kỹ tự "câm" là dấu (sắc, huyền, hỏi, ngã,... trong ngôn ngữ) hay dấu cách.
 
Tuy nhiên, bạn sẽ sớm phải "nói lời tạm biệt" với chuẩn tin nhắn SMS truyền thống trên những chiếc điện thoại trong tương lai gần và thay thế vào đó là sẽ là RCS - một cái tên còn khá lạ lẫm với nhiều người hiện nay.
 
Để dễ hiểu hơn về RCS, chúng ta hãy liên tưởng tới những ứng dụng nhắn tin khác đang phổ biến hiện nay như Facebook Messenger, WhatsApp hay Zalo. Khi dùng những ứng dụng này, bạn có thể nhìn thấy người nhận đã đọc tin nhắn hay đang trả lời, hoặc chia sẻ hình ảnh và video chất lượng cao cho bạn bè một cách dễ dàng. Đó cũng là những điều RCS sẽ mang tới cho bạn trong tương lại khi nhắn tin trên điện thoại. Và chuẩn tin nhắn mới RCS sẽ giúp việc nhắn tin trên ứng dụng mặc định không thua kém gì những ứng dụng nhắn tin nổi tiếng hiện nay.
 
Về cơ bản, RCS sẽ nâng cao trải nghiệm khi nhắn tin của người dùng lên mức tốt nhất có thể. Tuy nhiên để thực hiện được việc này, điều kiện duy nhất chính là hai người nhắn tin cho nhau đều phải dùng điện thoại hỗ trợ chuẩn RCS. Thêm vào đó, hệ thống viễn thông các nhà mạng có liên quan (mà hai người đang sử dụng) cũng phải được hỗ trợ chuẩn RCS mới này mới được.
 
Điều này nghe có vẻ rất giống với những gì Apple đang làm với ứng dụng iMessage. Tuy nhiên, thay vì phải lệ thuộc vào một thương hiệu điện thoại hay hệ điều hành cụ thể, RCS sẽ hoạt động trên nhiều điện thoại, mạng di động và hệ điều hành khác nhau.
 
Trong trường hợp tin nhắn RCS được gửi tới một chiếc điện thoại không hỗ trợ chuẩn RCS, tin nhắn RCS ấy sẽ được mặc định trở thành tin nhắn SMS. Vì vậy, không có thông điệp nào của người dùng bị mất đi sau khi đã được gửi, nên bạn cũng đừng lo.
 
Do SMS phổ biến từ lâu, còn RCS chỉ mới xuất hiện gần đây, thế nên chúng ta vẫn phải có một khoảng thời gian để chúng (tin nhắn RCS) trở thành phổ cập với các nhà sản xuất điện thoại, các nhà mạng viễn thông lẫn người dùng.
Danh sách nhà mạng, hãng điện thoại và nhà cung cấp hệ điều hành đồng ý với bộ cấu hình Universal Profile.
Vậy những chiếc điện thoại nào và nhà mạng nào hiện đã có hỗ trợ RCS? Xin nói ngay, RCS là một công nghệ liên quan tới cả mạng di động và hệ điều hành. Thế nên có rất nhiều thứ liên quan cần phải đáp ứng để chắc chắn rằng chiếc điện thoại của bạn đang dùng có được hỗ trợ RCS hay là không.
 
Và để bạn đọc hiểu sâu hơn, xin lược qua một chút về lịch sử của RCS. Tiền thân của RCS - Rich Communication Suite (hay bộ dịch vụ truyền thông đa dạng), là một sáng kiến được hình thành bởi một nhóm doanh nghiệp và cá nhân vào năm 2007. Qua năm 2008, Hiệp hội GSM (GSMA) đã chính thức thành lập một ủy ban để nghiên cứu và phát triển chuẩn nhắn tin RCS. Đến năm 2011, ủy ban này đã phát hành một tiêu chuẩn mới có tên là RCS-e. Sau đó, Hiệp hội GSM đã chính thức gọi tên tiêu chuẩn tin nhắn mới là Rich Communication Service - RCS.
 
Ngay từ khi được ra mắt, RCS đã được nhiều nhà mạng sẵn sàng hỗ trợ. Tuy nhiên, việc thiếu một bộ tiêu chuẩn kỹ thuật chung về những tính năng cần được áp dụng đã khiến việc triển khai RCS trở nên rời rạc và hỗn loạn. Một số nhà mạng cung cấp một số tính năng nhất định của RCS, trong khi nhiều nhà mạng khác lại không. Điều này đã khiến cho tin nhắn RCS trở nên không đồng bộ khi chúng được gửi giữa các nhà mạng, kể cả những nhà mạng có hỗ trợ RCS nhưng không giống nhau.
 
Để giải quyết vấn đề này, vào năm 2016, Hiệp hội GSM đã công bố bộ cấu hình tiêu chuẩn có tên là Universal Profile. Bộ cấu hình này bao gồm những tính năng của chuẩn RCS được hỗ trợ và đã được các nhà mạng đồng ý áp dụng.
 
Hiện số lượng nhà mạng, nhà sản xuất điện thoại và hệ điều hành đồng ý tham gia hỗ trợ Universal Profile khá nhiều và đang tăng nhanh. Tính đến nay, đã có 55 nhà mạng, 11 nhà sản xuất điện thoại và 2 nhà cung cấp hệ điều hành đang làm việc cùng nhau để biến RCS trở nên phổ biến.
 
Trong danh sách kể trên, đa phần những nhà mạng lớn cũng như nhà sản xuất điện thoại nổi tiếng đều tham gia để đưa chuẩn nhắn tin mới RCS trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, nếu để ý, bạn sẽ thấy vắng một cái tên quan trọng - Đó là Apple.
 
Về sự vắng mặt này, theo một số chuyên gia, ở thời điểm hiện nay, Apple đang có iMessage. Vì vậy, dường như "Táo khuyết" không có lý do gì để hỗ trợ RCS, bởi họ chỉ lo cho dịch vvuj của họ mà thôi. Tuy nhiên, khi RCS thay thế được phần lớn công nghệ SMS lỗi thời, chắc chắn Apple cũng sẽ phải "nhập cuộc" nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trong thị trường di động toàn cầu. 
 
Mặc dù đã được công nhận, nhưng con đường để RCS được hỗ trợ bởi tất cả nhà mạng và nhà sản xuất điện thoại trên thế giới vẫn còn khá dài. Tuy nhiên, RCS chắc chắn sẽ trở thành "lựa chọn duy nhất" cho dịch vụ nhắn tin, dành cho tất cả các thiết bị, mạng di động và hệ điều hành trong tương lai và điều này cũng sớm trở thành hiện thực thôi. 
Số lượng ứng dụng nhắn tin của Google nhiều quá, khiến hãng rơi vào "mớ bòng bong".
Cũng phải nói thêm rằng, trong "cuộc đua" đưa RCS trở nên phổ biến, Google đang là hãng công nghệ dẫn đầu. Hầu hết người dùng Android đều biết tới Google là hãng đang có quá nhiều ứng dụng nhắn tin như Allo hay Duo,... nhưng đều không quá ấn tượng. Cũng bởi đang có quá nhiều mô thức tin nhắn đã được triển khai, càng đòi hỏi Google phải sớm đồng nhất mảng tin nhắn để tập trung khách hàng lại, thay vì rải ra quá nhiều, vừa tốn công sức lại chẳng có dịch vụ nào "ra đầu ra đũa" so với thiên hạ. 
 
Cụ thể, vào tháng 4 vừa qua, Google đã thúc đẩy sự phổ biến của RCS bằng việc công bố một tiêu chuẩn mới có tên là "Chat". Đây là tiêu chuẩn được thực hiện dựa trên bộ cấu hình Universal Profile của Hiệp hội GSM. Google gọi đây là tương lai của RCS và tương lai của việc nhắn tin trên di động.
 
Có lẽ, bạn sẽ thắc mắc tại sao Google lại nóng lòng công bố tiêu chuẩn "Chat" và ứng dụng nhắn tin RCS tới công chúng? Câu trả lời đơn giản là, Google cần phải đem tới một trải nghiệm nhắn tin đồng nhất cho người dùng bằng việc tung ra "Chat", và Google hi vọng vấn đề này sẽ được khắc phục.
 
Còn "gã khổng lồ công nghệ" Apple có thể sẽ không hỗ trợ tin nhắn RCS trong tương lai gần, nhưng hãng sẽ bắt buộc phải dần quan tâm tới vấn đề này. Bởi khi có quá nhiều đối thủ trong thị trường đang hỗ trợ một tiêu chuẩn đặc biệt, "Táo khuyết" sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo xu hướng chung.