Đánh giá cho thấy bức tranh tổng thể của CĐS Việt Nam năm 2020
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình CĐS Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nên chủ đề CĐS năm 2020 được chọn là "CĐS mở đầu khát vọng cho một thập kỷ hành động".
Vì vậy, việc các Bộ, ngành thực hiện CĐS không chỉ đơn thuần là đưa công nghệ thông tin (CNTT) vào trong hoạt động hay thực hiện trong khuôn khổ đơn vị mình mà còn đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy quá trình này trong những lĩnh vực mà mình quản lý. Đối với địa phương cũng cần giữ vai trò đầu tàu về chuyển đổi số trong phạm vi địa phương đó.
Theo đó, năm 2020 cũng là năm đầu tiên Bộ TT&TT đánh giá chỉ số CĐS của các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hơn nữa, đây cũng là lần đầu tiên Bộ TT&TT triển khai khảo sát, thu thập, kiểm tra số liệu báo cáo để phục vụ đánh giá chỉ số CĐS qua hình thực trực tuyến.
Đối tượng đánh giá của báo cáo, tập trung vào hai khối: Khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (gọi chung là cấp bộ) và khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh), trong đó khối bộ được chia là 2 nhóm: bộ có cung cấp dịch vụ công và bộ không cung cấp dịch vụ công.
Từ báo cáo DTI 2020, ở nhóm 18 Bộ, ngành cung cấp dịch vụ công, với việc đạt giá trị DTI là 0,4944, Bộ Tài chính là cơ quan dẫn đầu. Báo cáo đánh giá Bộ Tài chính có nhiều hoạt động chuyển đổi số nổi bật trong năm 2020.
Cụ thể, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 50%, 100% ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Tài chính được kết nối, chia sẻ qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ.
Bộ Tài chính dẫn đầu bảng xếp hạng nhất về DTI 2020 cấp Bộ trong cung cấp dịch vụ công
Xếp hạng DTI 2020 của các bộ, ngành cung cấp dịch vụ công.
Ở cấp tỉnh, kết quả xếp hạng DTI 2020 cho thấy, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số năm 2020, với giá trị đạt được là 0,4874. Đây cũng là địa phương xếp hạng nhất ở cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.
Báo cáo được tổng hợp từ 4 nguồn thu thập: Số liệu báo cáo chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2020; số liệu điều tra xã hội của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức; số liệu đánh giá của các chuyên gia về chuyển đổi số, công nghệ thông tin; số liệu đánh giá trên không gian mạng do Bộ TT&TT giám sát.
Phát biểu về việc thực hiện báo cáo này, ông Nguyễn Huy Dũng cũng nhận định: “Bộ chỉ số nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về CĐS năm 2020 của Việt Nam. Trong năm 2021, chúng ta cũng đặt mục tiêu cao là đưa 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4 và đây cũng được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số từ nay đến cuối năm”.
Tuy nhiên, bộ chỉ số đo lường CĐS cũng giống như rất nhiều bộ chỉ số đo lường xếp hạng khác, có ý nghĩa tương đối và các cơ quan, tổ chức, các bộ, tỉnh coi đây là bộ chỉ số để đánh giá và so sánh với chính mình hơn là bộ chỉ số xếp hạng. Mức độ CĐS của các cơ quan, tổ chức là khác nhau và phụ thuộc vào đặc thù của cơ quan, tổ chức đó và mọi bảng xếp hạng nếu có thì cũng chỉ là tương đối. Vì vậy, đây là bộ chỉ số để mỗi cơ quan, tổ chức chúng ta tự đánh giá mức độ CĐS của chính mình.
Chuyển đổi số là trọng tâm của giai đoạn sắp tới
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, hiện Việt Nam đã xác định sẽ CĐS toàn diện dựa trên ba trụ cột chính là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Trong đó, Chính phủ số để nhằm phục vụ người dân tốt hơn, Kinh tế số giúp người dân giàu hơn và Xã hội số khiến người dân hạnh phúc hơn.
Ông đặc biệt nhấn mạnh, CĐS là quá trình, không phải đích đến. Trong năm 2021, nước ta cũng đặt mục tiêu cao là đưa 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4 và đây cũng được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số từ nay đến cuối năm.
Đánh giá về tốc độ CĐS của nước ta trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) cho rằng Việt Nam đã tăng tốc và đạt kết quả mạnh mẽ ở các lĩnh vực, như: thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, dịch vụ du lịch và đi lại, dịch vụ giáo dục…
Xét riêng trong khu vực công, tiến trình xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số trong thời gian vừa qua, cũng đạt được kết quả ấn tượng, đặc biệt trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA)
Tuy nhiên, đi vào chiều sâu của CĐS sẽ là trọng tâm của giai đoạn sắp tới. Đặc biệt, đối với khu vực công là khai thác giá trị của dữ liệu số để nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành quốc gia. Sau thành công của giai đoạn vừa qua, tính cần thiết của CĐS đã được đề cao; song, thách thức sẽ làm sao CĐS thực sự hiệu quả cần được chú trọng hơn nữa.
Cụ thể, cần chú trọng vào các nhóm chỉ số thể hiện "kết quả đầu ra", phản ánh được hiệu quả thực chất của CĐS. Trong các năm tiếp theo Báo cáo cũng nên có những phân tích sâu hơn, chỉ ra các bài học thành công.
Hơn nữa, những điểm hạn chế và những "vùng" cần cải thiện trong tiến trình xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Hàng năm, có thể chọn một chuyên đề nổi bật để đưa vào phân tích, tạo ra điểm nhấn cũng như tăng tính hấp dẫn cho báo cáo.