Thời gian qua đã có nhiều đối tượng đã sử dụng số thuê bao cố định, di động giả mạo, tự xưng là Bộ Thông tin và Truyền thông, Cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Ngân hàng… gọi điện cho người dân với mục đích thu thập thông tin, lừa đảo, thậm chí là đe dọa để chiếm đoạt tài sản.
Tình trạng này ngày càng có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Để ngăn ngừa hình thức lừa đảo mạo danh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai cấp tên định danh (Voice brandname) cho các số điện thoại là các số đường dây nóng của các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Cũng từ thời điểm này, các số điện thoại của doanh nghiệp viễn thông khi gọi đến khách hàng sử dụng dịch vụ đều hiển thị tên định danh.
(Ảnh minh hoạ từ Internet)
Ví dụ như VNPT, VinaPhone (mạng Vinaphone), VIETTEL CSKH (mạng Viettel); FPT SHOP (mạng FPT), LOCAL (mạng ASIM)...
Như vậy, có thể hiểu cuộc gọi hiển thị tên định danh là cuộc gọi mà khi gọi đến trên màn hình điện thoại sẽ hiển thị kèm theo tên thay vì chỉ hiện thị số điện thoại như trước.
Phương thức này sẽ giúp người dân nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn tinh vi các đối tượng sử dụng để lừa đảo giả mạo. Việc hiển thị tên định danh, giúp người nghe biết được số từ các đơn vị nào gọi đến, nếu không có nhu cầu có thể không nghe máy.
Nếu có các số điện thoại gọi đến xưng danh là đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông như Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Cục Tần số vô tuyến điện; xưng danh là doanh nghiệp viễn thông (Vinaphone, Viettel, FPT...), tuy nhiên lại không hiển thị tên định danh kèm theo đều là các số điện thoại giả mạo và có dấu hiệu lừa đảo.
Người dân khi nhận cuộc gọi từ các số điện thoại giả mạo cần phản ánh tới các đầu số của Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo là 156, 5656, hoặc phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao mình đang sử dụng để yêu cầu xử lý.