Vào năm 2012, Nokia, khi đó đang đứng đầu ngành công nghiệp di động, đã tung một quả bom tấn ra giữa thị trường điện thoại, với chiếc 808 PureView. Đây là điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Symbian với camera 41 megapixel. Ngay lập tức, nó đã tạo tiếng vang lớn bởi trước đó, người dùng chỉ quen với các thiết bị có camera với độ phân giải hạn chế, 5, 8 hoặc cùng lắm là 12 megapixel.
Nhưng cũng kể từ đó, cuộc chạy đua trên thị trường điện thoại thông minh Android, xoay quanh độ phân giải của camera cũng chính thức bắt đầu. Nó được hưởng ứng nhiệt liệt bởi các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) khi ngày càng đua nhau thêm nhiều megapixel vào máy ảnh để thu hút đám đông người dùng.
Và trong cuộc đua này, các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc là những người "lớn tiếng" nhất. Nhờ đó, người dùng sớm được trải nghiệm những chiếc smartphone với giá cả phải chăng, nhưng sở hữu hệ thống camera với số chấm khổng lồ.
Các công ty đang chạy đua về độ phân giải trên camera smartphone.
Realme, khởi đầu là một công ty con của hãng sản xuất điện thoại Trung Quốc Oppo, đã trở thành đơn vị đầu tiên giới thiệu chiếc smartphone Realme XT với camera 64 megapixel ra thị trường đại chúng. Tiếp theo đó là Xiaomi, gần đây đã hé lộ Redmi Note 8 Pro với camera 64 megapixel. Samsung thậm chí đã tạo ra một cảm biến camera 108 megapixel cho điện thoại thông minh, dự kiến ra mắt năm sau.
Theo nghiên cứu của Counterpoint Research, có tới 50% điện thoại thông minh được bán trên toàn cầu sẽ có ba hoặc nhiều cảm biến camera vào cuối năm 2021.
Theo các chuyên gia trong ngành, đây là một nỗ lực lớn của các thương hiệu điện thoại nhằm tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình so với đối thủ, khiến người tiêu dùng nghĩ rằng thiết bị của họ đứng đầu thị trường về một mặt nào đó.
"Nó nên được coi là một tấm kim bài dành cho tiếp thị, cho phép các thương hiệu smartphone thể hiện sự đổi mới cho một trong những tính năng quan trọng nhất đối với người tiêu dùng hiện nay", Navkendar Singh, Giám đốc nghiên cứu Thiết bị và Hệ sinh thái khu vực Ấn Độ & Nam Á của Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDC) chia sẻ.
Và rõ ràng, những con số này đã cho thấy sự sẵn có của các loại cảm biến hình ảnh với các kích thước khác nhau, trong tầm chi phí vừa phải. Nó giúp cho các thương hiệu điện thoại tạo ra các mô hình mới với mức giá phải chăng.
"Đầu năm 2020, chúng ta nên mong đợi sự ra mắt của các hệ thống camera 92 và 108 megapixel trên thị trường. Nhưng một người dùng bình thường sẽ không thể cảm nhận được sự khác biệt trong các bức ảnh từ các thiết bị với camera có độ phân giải khác nhau", ông Singh nói thêm.
Sự phát triển của cả phần cứng lẫn phần mềm, đang tăng cường chất lượng hình ảnh trên smartphone.
"Trong quý 2/2019, 14% điện thoại thông minh được trang bị máy ảnh ống kính 48MP và 70% có hai camera sau trở lên. Tuy nhiên, việc chỉ thêm một cảm biến megapixel lớn hơn không mang lại chất lượng hình ảnh cao hơn", Karn Chauhan, nhà phân tích nghiên cứu tại Counterpoint Research cũng cho biết.
Theo ông, có nhiều yếu tố chẳng hạn như ống kính, kích thước của khẩu độ, bộ xử lý tín hiệu hình ảnh (ISP), thuật toán phần mềm, AI... sẽ tác động vào chất lượng của bức ảnh cuối cùng. Nhờ đó, các thiết bị giờ đây có thể chụp ảnh HDR tốt hơn, trong điều kiện ánh sáng yếu và càng ngày càng ghi lại được các hình ảnh với độ chi tiết gần với tầm nhìn của mắt người.
Tham khảo India Times