Có một thực tế không thể phủ nhận, đại dịch COVID-19 đã khuếch đại một khía cạnh đáng quan tâm trong thời đại kỹ thuật số. Khi trường học, công sở và các khu vui chơi giải trí đóng cửa, thời gian ở nhà mà chúng ta dùng để dán mắt vào những chiếc màn hình trở nên nhiều hơn bao giờ hết.
Tivi, laptop, máy tính bảng và đặc biệt là điện thoại di động đang ngốn lấy thời gian của chúng ta. Từng ngày một đang trôi qua trên đầu ngón tay bạn, lướt qua Facebook, Tiktok, Youtube và những bộ phim dài tập.
Bạn có bao giờ thấy mình đang sử dụng thời gian trên màn hình quá nhiều, và muốn cân bằng lại cuộc sống? Nếu có, chắc hẳn bạn không hề cô đơn. Rất nhiều người đang cảm thấy cuộc sống của họ bị gói gọn vào bên trong những chiếc màn hình. Bài viết này sẽ đưa ra một số gợi ý để bạn có thể thoát ra khỏi chúng.
1. Giống như đồ ăn, dùng điện thoại cũng có khi tốt, khi xấu
Điều đầu tiên bạn cần làm để quản lý được thời gian sử dụng màn hình của mình là nhận ra chúng cũng giống đồ ăn, có những hoạt động sử dụng điện thoại "dinh dưỡng" và lành mạnh, trong khi có những hoạt động lạm dụng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Một miếng bánh bông lan vào đầu giờ chiều có thể không quá béo, thậm chí còn giúp tâm trạng trong nửa ngày làm việc của bạn tốt hơn. Nhưng kẹo sô cô la trước giờ đi ngủ rõ ràng không phải lựa chọn lành lành mạnh.
Tùy thuộc vào nội dung mà bạn đang xem trên màn hình, bối cảnh và thời gian bạn dành cho chúng, hãy phân loại đâu là một hoạt động tốt, đâu là hoạt động lạm dụng. Chẳng hạn, nếu công việc của bạn bắt buộc phải dùng đến máy tính, nó sẽ được tính như bữa cơm hàng ngày vậy. Hãy dùng máy tính "đúng bữa" và trong khoảng thời gian hợp lý.
Những hoạt động dùng màn hình để giải trí thường giống với món ăn vặt. Nhưng cũng có những món ăn vặt lành mạnh hơn những món ăn vặt khác. Đọc một cuốn sách điện tử khi đang ngâm mình thư giãn trong bồn tắm chắc chắn khác với việc chui trên giường cả ngày để lướt Facebook hoặc xem phim.
Thực ra, không có hoạt động nào là đúng tuyệt đối hay sai tuyệt đối, nhưng việc phân loại tương đối cũng sẽ giúp bạn sắp xếp thời gian sử dụng màn hình của mình hợp lý hơn. Hãy quản lý nó theo từng món thay vì nghĩ về thời gian sử dụng các thiết bị điện tử như một khối lớn mà bạn cần loại bỏ khỏi cuộc sống.
2. Xác định các hoạt động nào mà bạn bắt buộc phải sử dụng điện thoại, với thời lượng cụ thể bao lâu
Trong thời đại số hóa như hiện nay, hầu hết mọi người chúng ta đều cần phải tương tác với các thiết bị điện tử ở mức độ nhất định. Trẻ em cần học online, người già cần xem tin tức và tất nhiên, những người trẻ cần làm việc và giải trí.
Vấn đề là bạn cần đặt ra cho mình những hạn mức thời gian nhất định khi sử dụng máy tính hoặc điện thoại, nếu không muốn trở nên lạm dụng chúng.
Khi công việc của bạn gắn liền với máy tính chẳng hạn, lời khuyên là hãy tập trung giải quyết xong công việc để có được 5 phút giải lao mỗi tiếng. Hãy đứng lên vận động một chút thay vì tiếp tục dán mắt vào màn hình điện thoại hoặc laptop trong những giây phút giải lao ấy.
3. Quản lý thời gian rảnh với điện thoại
Thời gian rảnh rỗi là lúc bạn dễ sa đà vào lạm dụng các công cụ giải trí số nhất, chẳng hạn như chơi game, chat, xem phim hoặc lướt mạng xã hội. Tất nhiên, chúng ta không thể từ bỏ tất cả các hoạt động này, nhưng một lần nữa, hãy đặt giới hạn cho chúng.
Hãy tự hỏi bản thân mình, một ngày chơi game bao lâu là đủ, bạn cần lên Facebook để cập nhật thông tin trong bao lâu và quỹ thời gian của bạn còn trống bao nhiêu cho các hoạt động bên ngoài khác, chẳng hạn như gặp gỡ bạn bè ngoài đời thực, đi dạo, tập thể dục…
Hãyvạch ra cho mình một chiến lược để sử dụng thời gian rảnh hợp lý. Hoặc bạn cũng có thể sáng tạo, thay vì chat trên Messenger, tại sao không thực hiện một cuộc gọi thoại và sau đó, bạn có thể đặt chiếc điện thoại xuống và nấu ăn chẳng hạn.
4. Để ý đến tâm trạng của bạn khi sử dụng điện thoại
Nhiều người không để ý đến tâm trạng của họ khi sử dụng thiết bị điện tử và thường bị cuốn vào vòng xoáy của những cảm xúc khiến họ sử dụng màn hình liên tục.
Chẳng hạn, đã bao giờ bạn lướt Facebook đến độ nhàm chán mà vẫn cố gắng lướt qua để xem phía dưới News Feed có gì mới mẻ hay không? Hay sau khi thua một ván game khiến bạn cảm thấy mình cần chơi lại một ván nữa để có được cảm giác gỡ gạc hoặc phục thù? Hoặc một bộ phim quá cuốn hút khiến bạn không thể dừng lại được và xem đến hết đêm?
Một mẹo nhanh chóng để xác định khi nào bạn nên bỏ điện thoại xuống hoặc rời xa máy tính, đó là tự vấn lại tâm trạng của mình khi đó. Nếu bạn đang cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, khó chịu hay bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào khi sử dụng màn hình, hãy dừng lại khi có thể.
Ngược lại, nếu hoạt động trên màn hình đang khiến bạn làm việc năng suất, được xoa dịu, bình tĩnh hoặc hạnh phúc hơn, hãy tiếp tục.
5. Nhận biết các dấu hiệu của căng thẳng
Một trong số các tâm trạng đặc biệt nhất bạn cần phải để ý đến khi sử dụng thiết bị điện tử, đó là trạng thái căng thẳng. Căng thẳng có thể khiến bạn ăn nhiều hơn, và nó cũng có thể khiến bạn sử dụng màn hình nhiều hơn.
Đó là bởi cả hai hành vi này đều xuất phát từ một địa điểm, vỏ não trước trán. Khi gặp căng thẳng, phần não này chịu trách nhiệm ra quyết định cho bạn sẽ không hoạt động hiệu quả. Do đó, việc chống lại các cám dỗ sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.
Chẳng phải thay vì phải làm nốt một công việc dang dở, bạn lại cho phép mình cày nốt một bộ phim? Hoặc khi thất tình, bạn có thể nhúng bản thân chìm đắm vào game thay vì tìm vượt qua nó một cách thực sự.
Tất nhiên, có những hoạt động có thể xoa dịu căng thẳng của bạn, nhưng bạn cần phải nhận ra khi nào căng thẳng đang khiến bạn bị tê liệt trước một chiếc màn hình. Để làm được điều này hãy…
6. Tạo một danh sách các hoạt động khác khiến bạn cảm thấy tốt hơn
Những chiếc màn hình không phải công cụ duy nhất và lành mạnh nhất giúp bạn vượt qua căng thẳng. Chẳng qua bạn luôn có những chiếc màn hình xung quanh mình, và não bộ thì lúc nào cũng muốn có một cách nhanh nhất để sốc lại tinh thần nên nó mới khiến bạn rút điện thoại trong túi ra.
Để có thể thay đổi lối mòn suy nghĩ này, bạn hãy thử lập sẵn một danh sách các hoạt động mà bạn có thể làm để đối phó với căng thẳng, tất nhiên là không liên quan đến những chiếc màn hình.
Chẳng hạn, đi bộ 5 phút giữa giờ làm việc có thể giải tỏa căng thẳng thay cho 5 phút chuyển tab lướt Facebook, đọc sách có thể giúp bạn có một buổi sáng cuối tuần FA vui vẻ hơn lên Instagram xem ảnh của các cặp đôi yêu nhau…
7. Cố gắng đừng bắt đầu và kết thúc một ngày của bạn với những chiếc điện thoại
Bạn thường làm gì khi mới thức dậy? Chẳng phải là tắt chuông báo thức trên điện thoại và tiện tay check email, lướt tin tức trong khi vẫn đang nheo mắt? Bằng cách đó, nhiều người đã tốn cả nửa tiếng đồng hồ mà chưa ra được khỏi giường. Trong khi, rõ ràng họ có thể dành thời gian đó để tập thể dục.
Ngược lại, nhắn tin với bạn bè cho đến khuya cũng không phải ý tưởng tốt. Bạn có thể bị cuốn vào những câu chuyện liên miên không dứt, cũng như đừng xem phim lúc trước khi đi ngủ. Các nhà sản xuất điện ảnh luôn biết cách khiến bạn phải dán mắt vào màn hình cho đến tận khi bộ phim kết thúc. Một bộ phim truyền hình dài tập khi đó có thể trở thành thảm họa cho giấc ngủ ban đêm của bạn.
8. Thiết lập một ranh giới
Hãy thiết lập một ranh giới vật lý giữa bạn và những chiếc màn hình, để khi tương tác với chúng, bạn sẽ nhận ra đó là kết quả của một lựa chọn có ý thức thay vì vô thức. Chẳng hạn, hãy sạc điện thoại bên ngoài phòng ngủ, để điều khiển tivi xa giường, và mua một chiếc đồng hồ báo thức thay cho điện thoại.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thiết lập các ranh giới trên chính máy tính, điện thoại của mình, ví dụ như không bật thêm tab Facebook trong khi làm việc, tắt thông báo trên điện thoại để không một notification nào có thể cám dỗ bạn…
9. Hãy vận động thể chất
Hầu hết các hoạt động gắn liền với màn hình sẽ khiến bạn bỏ bê cơ thể mình. Nhưng bạn cần biết rằng một sức khỏe thể chất tốt cũng khiến bạn có sức khỏe tinh thần tốt hơn.
Thay vì ngồi gù lưng trước máy tính hay nằm ườn trên giường vuốt điện thoại, bạn có thể bật Youtube và tập yoga hoặc tham gia vào một lớp nhảy aerobic trực tuyến… Có rất nhiều vận động thể chất có thể giúp bạn cải thiện thể chất của mình.
10. Cách ly với công nghệ
Những chiếc màn hình đôi khi có thể khiến bạn kiệt sức, bất kể bạn đã cố gắng đến chừng nào. Do đó, sẽ không có gì quá đáng nếu bạn bỏ điện thoại lại bàn và đi đâu đó 30 phút, 1 tiếng. Một số người còn thực hành một ngày Sabbath với công nghệ, nghĩa là họ sẽ thu xếp công việc để có một ngày, thậm chí một tuần mà không cần dùng đến các thiết bị điện tử.
Nếu bạn không thể làm điều đó, đừng ngại sáng tạo ra các phương pháp cách ly tạm thời với những chiếc màn hình. Chẳng hạn, bạn có thể xóa app Facebook hoặc khóa tài khoản của mình trong 1 tuần.
Và đó không phải là một bài tập phù phiếm vô ích, việc cách ly khỏi các màn hình trong một khoảng thời gian có thể cho phép chúng ta suy nghĩ kỹ về việc sử dụng chúng như thế nào cho tốt hơn trong tương lai. Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ có được thời gian để tập luyện các thói quen mới, cân bằng hơn cho cuộc sống của mình.
Tham khảo Nytimes