Năm 2017 vừa rồi, có thể nói thứ khó mua và đắt giá nhất làng gaming gear tại Việt Nam cũng như trên thế giới chính là card đồ họa. Đôi khi giá card đồ họa tăng cũng chóng mặt chẳng thua gì những đồng tiền ảo mà dân cày đổ xô đi mua phần cứng về lắp "trâu" để đào. Nếu bạn có may mắn mua được một chiếc card đồ họa với mức giá gốc được nhà sản xuất khuyến nghị, việc cho lên các trang thương mại điện tử như Amazon hay Ebay bán giá gấp đôi là chuyện thường tình ở thị trường nước ngoài.
Thị trường trở nên đảo điên tới cái mức, nhiều trang web bán phần cứng máy tính chỉ cho phép bạn mua card với giá gốc nếu bạn cam đoan được mình mua về để chơi game và sử dụng làm các công việc không phải đào tiền ảo. Và AMD, giữa cơn cuồng phong khủng khiếp, đã tung một quả bom tấn đúng nghĩa đen: Bộ đôi APU Ryzen thế hệ mới với nhân xử lý đồ họa tích hợp. Những chiếc APU của AMD đã chẳng còn xa lạ gì đối với cộng đồng game thủ trước đây.
Về cơ bản nó là cụm từ mà AMD sử dụng để mô tả các chip xử lý của họ, với cả CPU và GPU cùng hiện diện, và nhờ đó, người sử dụng máy tính không cần card đồ họa rời mà chỉ cần cắm cáp HDMI hay Display Port vào mainboard là xong. Nhưng dĩ nhiên như chúng ta cũng đã biết, hiệu năng của những GPU tích hợp thường không thể nào bằng được card đồ họa rời.
Thế hệ CPU Ryzen đời đầu ra mắt đầu năm 2017 cũng thiếu hụt đi khả năng xử lý đồ họa tích hợp, và những người mê Ryzen vì mát, rẻ và hiệu năng cao vào thời điểm đó cũng phải đưa ra lựa chọn về card đồ họa. Giờ đây cuộc chơi đã thay đổi hoàn toàn, đơn giản vì AMD tung ra sản phẩm mới quá "hợp phong thủy". Những người còn nghi ngờ về khả năng xử lý của GPU tích hợp có thể tạm gác nỗi lo sang một bên được rồi, vì Ryzen 5 2400G và Ryzen 3 2200G có hiệu năng rất khá, ngang ngửa nhiều mẫu card đồ họa tầm giá bình dân như GTX 750Ti hoặc RX550 mà giá lại rẻ hơn nhiều so với việc mua cả CPU lẫn VGA cộng lại.
Tại Việt Nam, thông báo chính thức cho thấy AMD Ryzen 5 2400G có giá 4,3 triệu Đồng, còn Ryzen 3 2200G có giá siêu rẻ: 2,6 triệu Đồng. Điều này có nghĩa là hai mẫu chip APU mới này sẽ cạnh tranh trực tiếp với Core i5 8400 và Core i3 8100. Một vài thông số kỹ thuật cho thấy, ở chế độ chơi game, nghĩa là CPU chạy chế độ Turbo Boost, Ryzen 5 2400G có tốc độ 3,9 GHz với 4 nhân 8 luồng xử lý CPU, còn Ryzen 3 2200G có tốc độ tối đa 3,7GHz với 4 nhân 4 luồng xử lý.
Nhưng cũng đừng quên, những con chip xử lý của AMD không bao giờ khóa chức năng overclock như những CPU "non-K" của Intel, vì thế với một bộ tản nhiệt tốt, bạn hoàn toàn có thể ép xung hai mẫu APU kể trên lên để phù hợp với nhu cầu sử dụng. Ở thời điểm mua card đồ họa chơi game khó khăn như thế này, việc lựa chọn một trong hai mẫu APU để chơi một vài game eSports hoặc casual như Overwatch hay LMHT tốt và kinh tế hơn nhiều so với việc cố gắng bỏ thêm tiền đầu tư CPU Intel và card đồ họa rời.
Sở dĩ nói vậy là vì không như Intel, AMD biết cách làm thế nào để tạo ra một chiếc card đồ họa tốt. Về lý thuyết, một tập đoàn đã quá nổi tiếng với card đồ họa như AMD chắc chắn sẽ tạo ra chip xử lý đồ họa tích hợp tốt hơn nhiều so với Iris 630 của Intel. Vậy còn thực tế? Câu trả lời nằm ngay ở việc Intel đã phải hợp tác với AMD để tạo ra những mẫu chip xử lý cho laptop với CPU của Intel còn GPU của AMD. Và thậm chí Intel còn nẫng tay trên vị kỹ sư trưởng mảng GPU của AMD hồi năm ngoái nữa kìa. Nếu không tốt, Intel đã không dám đặt bút ký hợp đồng để phá thế độc quyền của Nvidia vài năm trở lại đây.
Dông dài vậy có lẽ là đủ. Vậy rốt cuộc APU Ryzen mới chơi game "bá đạo" cỡ nào? Nói một cách ngắn gọn, Ryzen 5 2400G và Ryzen 3 2200G sở hữu chip xử lý đồ họa tích hợp tốt nhất thị trường hiện nay, bỏ xa Iris 630 trên nền Core i7 8700K. Ở bài thử nghiệm với Overwatch, độ phân giải full HD, setting all low, cả hai APU mới của AMD đều chạy game ở tốc độ trung bình trên 60 FPS. Cụ thể hơn Ryzen 5 2400G đạt 66 FPS, Ryzen 3 2200G đạt 63 FPS, còn Iris 630 của Intel chỉ là 33 mà thôi. !
Giờ là GTA V, tựa game ai cũng muốn lấy để đánh giá khả năng chơi game của cỗ máy tính. Bất ngờ là khi lắp card đồ họa GT 1030 của Nvidia với Ryzen 5 2400G, tốc độ khung hình trung bình thậm chí còn thấp hơn cả khi để máy chạy chế độ GPU onboard, lần lượt là 35 FPS và 53 FPS. Con số 53 FPS, đối với rất nhiều game thủ không khó tính, là thừa đủ mượt mà để chơi rồi.
Tuy nhiên đối với một quả bom tấn đồ họa cực khủng như Rise of the Tomb Raider, Ryzen tỏ rõ vấn đề. Ngay cả những card đồ họa như GTX 1060 hay 1070 cũng còn trầy trật với tựa game khủng của Crystal Dynamics chứ không riêng gì chip xử lý đồ họa tích hợp. Con số 20 FPS và 19 FPS của hai APU đã chứng tỏ được rằng chip đồ họa tích hợp chỉ nên dùng trong trường hợp chơi những game nhẹ mà thôi.
Với hiệu năng mạnh hơn cả GT 1030 và nhiều mẫu card đồ họa bình dân, có thể nói, cuộc chơi đã xoay vần khi những cỗ máy tính chơi game giá siêu rẻ trong khoảng 10 triệu Đồng, APU Ryzen Raven Ridge chưa có đối thủ trực tiếp. Điều này cũng chứng minh rằng, đồ họa tích hợp không phải lúc nào cũng tệ, chỉ đơn giản là đến bây giờ chúng ta mới có những con chip xử lý với chip đồ họa tích hợp có hiệu năng đủ phục vụ nhu cầu chơi game mà thôi.