Trong thời đại mới này, những con chuột gaming với nhiều mẫu mã thiết kế được ra mắt không biết bao nhiêu, càng ngày chúng càng trở nên đẹp hơn, nhiều nút phụ hơn và giới hạn DPI càng ngày càng lớn. Vậy DPI là gì, và có nhiều người còn đang băn khoăn không biết họ có chọn đúng thiết lập DPI cho mình hay không, đặc biệt là những người chơi nhiều tựa game FPS.
DPI là viết tắt của cụm từ "dots per linear inch" và được đo với đơn vị là bao nhiêu pixels mà cảm biến của chuột cảm biến được trên những thao tác chuyển động thực của chuột. Nói một cách đơn giản, đó là độ nhạy của chuột. Ngoài ra, DPI còn có nhiều cách gọi khác như CPI (Counts per inch) hay "mickey pers second" mà từ lâu hầu như không còn ai sử dụng nữa.
Những câu hỏi về DPI thường rất phổ biến, nhưng rất ít diễn đàn hoặc ít người có khả năng trả lời chi tiết cho những thiết lập của nhiều game bắn súng góc nhìn thứ nhất có thể kể đến như Counter-Strike hay Overwatch. Nhìn vào chợ gaming mouse, bạn sẽ bị dẫn đến những tiểu tiết như số càng cao thì càng đáng mua, lấy ví dụ như Razer DeathAdder Elite có độ DPI tới tận 16,000, nhưng thực sự có cần thiết không?
Hãy bắt đầu với điều đơn giản nhất, DPI càng cao tức là khoảng cách chuột di chuyển trên màn hình dài hơn mà cử động vật lý lên chuột từ tay bạn ngắn hơn. Ngược lại, DPI càng nhỏ thì bạn càng phải di chuyển tay nhiều hơn để căn chỉnh chuột đến cùng một vị trí đó. Lấy ví dụ trong tựa game FPS, do chuột ở chính giữa màn hình và góc nhìn di chuyển tuyến tính theo nó, thì DPI thấp sẽ khiến nhân vật xoay góc nhìn chậm hơn và ngược lại là nhanh hơn khi DPI cao.
Vậy mức DPI nào thì là hoàn hảo? Trên lý thuyết, DPI càng cao tức càng có lợi thế về mặt phản xạ. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy, DPI cao sẽ giúp nhân vật di chuyển tốt, nhưng lại gây cực kỳ khó khăn trong thao tác ngắm bắn bởi nó cần độ chính xác.
Lấy ví dụ trong tựa game Overwatch chẳng hạn, nếu bạn chơi một nhân vật di chuyển nhiều như Lucio, thì DPI cao sẽ là "đồng đội" của bạn thông qua các hoạt động như leo tường, rẽ hướng gấp khúc ở những ngóc ngách nhỏ hẹp. Nhưng thử tưởng tượng nếu chơi Widowmaker mà cùng một lượng DPI như vậy xem, chỉ cần một cái nhích tay là viên đạn có thể lệch đối tượng đến vài ba mét rồi, đó là chưa kể đối tượng không phải lúc nào cũng đứng im đấy nhé.
Bởi vì sự đa dạng trong các nhân vật của nhiều tựa game FPS, DPI không có một con số cụ thể nào để lấy làm chuẩn mực cả, tất cả đều dựa vào cảm giác của người sử dụng mà thôi. Thậm chí nhiều game bây giờ còn tích hợp sẵn cảm biến độ nhay riêng của chúng, từ đó càng làm game thủ thêm rối vì luôn phải phân vân từ chuột cho đến độ nhạy trong game nữa. Mặt khác, có một bài test để thử nghiệm và đánh giá độ nhạy được sử dụng của khá nhiều người, đó là "360 test". Có nghĩa, bạn sẽ phải đo khoảng cách di chuyển của chuột khi xoay góc nhìn của nhân vật đúng một vòng 360 độ. Từ đó có thể cung cấp DPI cơ bản để bạn bắt đầu, sau đó chỉ việc thêm bớt sao cho vừa vặn mà thôi.
Một cách khác đơn giản hơn để tìm mức DPI tốt nhất cho mình đó là học hỏi từ những người chơi game chuyên nghiệp. On-Winning.com là một cơ sở dữ liệu tập hợp những setting cho game của nhiều tuyển thủ chuyên nghiệp qua một số tựa game, bao gồm cả OverWatch. Trung bình, họ đều cài đặt mức DPI khoảng giữa 800-1600, cũng có một số khác như Muma đến từ đội tuyển Houston Outlaws cài đặt cho mình 2000 DPI hay như San Francisco Shock’s iddqd là 400 DPI. Tất nhiên đây chỉ là DPI của chuột, vẫn còn nhiều thiết lập về độ nhạy trong game nữa, iddqd cài đặt độ nhạy của anh ấy là 7, trong khi Muma chỉ là 4.3 mà thôi.
Tất cả các con số, các thiết lập đều khá là hoàn chỉnh rồi, tuy nhiên vẫn không thể bằng bài test tốt nhất, đó là tự bản thân mình thiết lập và thử. Tất nhiên DPI là một con số khá quan trọng khi đi mua một con chuột cho riêng mình, nhưng công nghệ cảm biến hiện đã rất tốt đến nỗi bạn không cần phải tìm cho mình sản phẩm có DPI quá cao, vì nó là thừa và lãng phí. Cũng chẳng có tuyển thủ chuyên nghiệp nào dùng đến 16,000 DPI đâu. Thậm chí một con chuột rẻ tiền cũng có thể đạt DPI cao, và số lượng nút phụ vừa đủ để sử dụng. Vậy hãy cân nhắc thật kỹ trước khi sắm sửa chuột mới và đừng lo lắng quá về DPI nhé.