Face ID – “bộ mặt” của Touch ID

iPhone X là thiết bị Apple đầu tiên ứng dụng Face ID và đây là ván cược lớn của Apple.

Trước tháng 9 năm ngoái khi Apple tiết lộ thông tin về iPhone X, có nhiều đồn đoán về bảo mật sinh trắc học dựa trên nhận diện gương mặt, cũng như liệu Apple có đưa Touch ID vào điện thoại mới của họ hay không. Không gì ngạc nhiên về điều này và có nhiều người cũng cho rằng Face ID chỉ là tính năng nhỏ, cộng thêm mà Apple vẫn muốn cải thiện hơn nữa Touch ID trong điện thoại mới.

Nhưng nay, iPhone X chính thức xuất hiện, chúng ta có được cái nhìn rõ hơn về điều này. Người dùng không chỉ thấy được Face ID là điểm xuất phát quan trọng từ những hệ thống nhận diện khuôn mặt trước đây, mà còn thấy Apple đã "dọn đường" cho Face ID từ rất lâu, trong đó Touch ID là một trong những cách thức chuẩn bị ấy, như thể hãng không hề vấp phải những khó khăn nào về thiết kế sản phẩm.

Còn nay, Face ID đang trở thành một phần trong cuộc sống của nhiều người dùng, nên cũng đáng cho chúng ta xem xét cụ thể hơn về công nghệ này. Bởi vì nếu Apple từ bỏ Touch ID trong điện thoại của mình để chuyển sang Face ID thì họ luôn có một lý do chính đáng nào đó.

Cần nhiều gương mặt hơn

Trong một vài đánh giá ban đầu về Face ID, công nghệ này cũng có một số hạn chế nhất định, nhưng không nghiêm trọng. Ví dụ có vài loại kính mát không tương thích Face ID bởi vì chúng chắn bước sóng ánh sáng mà camera True Depth của Face ID hoạt động dựa trên tia hồng ngoại. Với những người ở xứ lạnh, họ phải tháo khăn choàng cổ xuống mới mong camera nhận diện được. Cũng như Touch ID tồn tại một số hạn chế, bất tiện, Face ID không phải là ngoại lệ. Nhưng một điều mà Face ID không tốt bằng Touch ID là nó chỉ hỗ trợ một gương mặt duy nhất. Đối với nhiều người thì yếu tố này không quan trọng, nhưng có nhiều trường hợp người dùng cho phép người khác sử dụng điện thoại của mình, như vợ/chồng, con cái, cha mẹ… nên có thể hạn chế này lại là khuyết điểm lớn, buộc họ phải sử dụng mật khẩu passcode.

Cũng vậy, chia sẻ mật khẩu gây ra rủi ro bảo mật lớn hơn nhiều so với chia sẻ Touch ID bởi vì điều này cho phép người dùng truy cập đến nhiều vùng được bảo vệ của iOS. Và nếu bạn muốn loại bỏ truy cập Touch ID, bỏ dấu vân tay nào đó thì bạn cũng cần phải sử dụng mật khẩu. Thay đổi passcode cũng rườm rà, rắc rối hơn.

Theo một góc độ nào đó, chúng ta dễ dàng nhận ra triết lý kinh doanh của Apple, là hãng luôn muốn thiết kế iPhone chỉ cho một người sử dụng duy nhất mà thôi. Nhưng có lẽ sau nhiều phản hồi của người dùng, có thể Apple sẽ bổ sung Face ID cho nhiều gương mặt khác nhau.

Có thể iPad là thiết bị tiếp theo Apple muốn đưa Face ID vào.
Và nhiều thiết bị hơn

Mặc dù iPhone X là thiết bị đầu tiên của Apple ứng dụng Face ID nhưng đây lại là ván cược lớn của hãng. Lý do đơn giản nhất là nếu Face ID chứng minh được độ tin cậy và là hình thức bảo mật sinh trắc học tốt thì tại sao nó lại chỉ được ứng dụng cho một thiết bị đơn mà thôi? Hơn nữa, rõ ràng Apple luôn muốn đưa ra tính năng này trên các thiết bị khác để người dùng chỉ cần dùng một phương pháp xác thực trên mọi thiết bị.

iPad là chọn lựa rõ ràng nhất cho cuộc đổ bộ tiếp theo của Face ID, ít nhất là theo chân của Touch ID. Mang hệ thống này lên thiết bị iOS khác là cách làm trực tiếp và Apple rõ ràng muốn loại bỏ nút Home trên máy tính bảng của họ để tiết kiệm không gian. Để làm điều này, với phiên bản iOS 11, Apple đã đưa tính năng quét ngón tay từ dưới lên để hiển thị Dock và các giao diện đa tác vụ, cũng là cách mà Apple loại bỏ nút Home trên iPhone X.

Tuy nhiên, điều thú vị hơn là ở Mac. Touch ID di dời lên Mac vấp nhiều trở ngại, và chỉ có được trên MacBook Pro có Touch Bar. Nhưng Touch Bar từng là một trong những tính năng ít phổ biến của hãng trong vài năm gần đây. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng dự đoán Apple sẽ tích hợp Touch ID vào trong Magic Keyboard hoặc Magic Trackpad của họ nhưng có vẻ điều này sẽ không xảy ra khi Apple chuyển hướng sang Face ID.

Không như thiết bị iOS, Mac không bị hạn chế về không gian hay khả năng xử lý, tính toán của hệ thống mà Apple phải điều chỉnh sao cho cân bằng như trên điện thoại và máy tính bảng. Hơn nữa, Mac sử dụng Apple Pay tốt hơn nhiều so với các thiết bị khác của Apple.

Cả iPad và Mac đều có tính năng chia sẻ cho nhiều người dùng, và Mac dĩ nhiên rất dễ hỗ trợ nhiều tài khoản người dùng khác nhau. Touch ID trên MacBook Pro cũng vậy, có thể hỗ trợ cả tính năng chuyển người dùng qua lại thông qua vân tay. Nên có vẻ Face ID cũng theo chân Touch ID dễ dàng. Và thậm chí, có thể Apple sẽ đưa ra tính năng chia sẻ nhiều người dùng qua Face ID cho iPad, vì đây sẽ là tính năng rất tuyệt, nhất là trong các ứng dụng về giáo dục được rất nhiều trường học sử dụng.

Không dễ để “lật mặt” Face ID
Hồi giữa tháng 12 năm ngoái (2017), công ty an ninh mạng Việt Nam Bkav công bố một thông tin cho rằng họ đã sử dụng một số kỹ thuật để mở khoá được hệ thống nhận diện khuôn mặt của iPhone X. Mặc dù giới chuyên gia cho rằng Face ID có bảo mật tốt hơn Touch ID nhưng hệ thống này vẫn còn điểm yếu. Theo Bkav, họ sử dụng một mặt nạ giả mạo bằng cách kết hợp in 3D và vài chi tiết 2D và đánh lừa được Face ID chưa chạy tiến trình training gương mặt của người dùng. Thậm chí Bkav còn tổ chức trình diễn đã lừa Face ID ra sao.
Nhưng Bkav cũng phải thừa nhận là rất khó để làm ra được một chiếc mặt nạ chính xác để đánh lừa Face ID mà không am tường một số kiến thức bảo mật nhất định của hệ thống này, ví dụ tin tặc cần nắm rõ AI của Apple hoạt động như thế nào và cách nào để vượt qua nó. Ví dụ, Bkav ngoài việc sử dụng in 2D và 3D, họ còn nhờ một hoạ sỹ dựng lại mũi người bằng tay.
Như có một trường hợp hồi năm 2013, một tin tặc châu Âu trong nhóm Chaos Computer Club sử dụng một quy trình rất phức tạp và mất nhiều thời gian, là dùng nhiều tấm ảnh độ nét 2.400 dpi dấu tay của một người dùng và một máy in nhựa (latex) để giả dấu vân tay. Nên cách mà Bkav đánh lừa Face ID cũng mất rất nhiều công sức so với việc công ty này từng đánh lừa Touch ID trước đây.
Không có cơ chế bảo mật nào an toàn tuyệt đối, ai cũng biết như vậy. Nhưng hiện nay, vượt mặt được Face ID là không dễ và phải mất nhiều thời gian, nhất là các kỹ thuật cần có không thuộc kiến thức của số đông người dùng.

PC WORLD VN, 02/2018