Tờ Financial Times hôm 12/2 đăng tải thông tin Facebook đã cáo buộc Viettel - một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Đông Nam Á - đã sử dụng các chiến thuật làm mất uy tín của đối thủ, bằng các nhóm trên mạng xã hội.
Facebook cho biết họ đã cấm một hệ thống gồm hai chục trang và tài khoản giả, có liên kết với hai nhà cung cấp dịch vụ viễn thông là Viettel của Việt Nam và Mytel của Myanmar. Động thái này đánh dấu việc lần đầu tiên mạng xã hội lớn nhất thế giới đưa ra các hành động cụ thể, chống lại việc các doanh nghiệp sử dụng tin giả để cạnh tranh không lành mạnh.
Theo Facebook, những người đứng sau các trang nói trên đã tạo ra một "trung tâm tin tức viễn thông độc lập" để giả làm khách hàng đăng tải thông tin chỉ trích các đối thủ và lan truyền tin tức giả mạo về các thất bại kinh doanh, buộc phải rút khỏi thị trường hay các hoạt động lừa đảo của đối thủ đó.
Thông báo Facebook cho biết:
Quản trị viên và chủ tài khoản thường chia sẻ nội dung bằng tiếng Anh và tiếng Myanmar về các thất bại kinh doanh và kế hoạch thoát khỏi thị trường của một số nhà cung cấp dịch vụ ở Myanmar và hoạt động lừa đảo của họ đối với khách hàng của họ. Mặc dù những người đứng sau hoạt động này đã cố gắng che giấu danh tính và sự phối hợp của họ, cuộc điều tra của chúng tôi đã tìm thấy các liên kết đến hai nhà cung cấp dịch vụ viễn thông - Mytel ở Myanmar và Viettel tại Việt Nam - và Gapit Communications, một công ty PR tại Việt Nam.
Các trang này bị Facebook cáo buộc ban đầu đăng các nội dung về cuộc sống, văn hóa, thể thao... Nguồn Facebook
Sau đó chuyển sang cóp nhặt các nội dung quảng bá giống nhau, rồi dần quảng cáo cho thương hiệu Mytel. Nguồn Facebook
Một phân tích độc lập của Phòng thí nghiệm nghiên cứu Pháp y kỹ thuật số của Atlantic Council cho thấy đã phát hiện một số trang mạng xã hội bắt đầu với các nội dung mang thiên hướng "chủ nghĩa dân tộc" trước khi chuyển sang nội dung quảng bá thương hiệu Mytel. Một số trang khác thì trực tiếp chỉ trích các đối thủ của Mytel là Ooredoo, MPT và Telenor.
Trên trang mạng xã hội này, bài đăng bên trái mang tính truyền thông và bài đăng bên phải mang tính khuếch đại đối thủ cạnh tranh của MyTel. Bài đăng ở giữa trình bày theo dạng so sánh trung lập, nhưng thực sự là ủng hộ MyTel. Nguồn Facebook
Một số nội dung dìm hàng đối thủ của Mytel, được các trang vệ tinh đăng tải cùng thời điểm với các nội dung của chính trang Mytel Myanmar.
Viettel là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Việt Nam, thuộc sở hữu nhà nước và được điều hành bởi Bộ Quốc phòng. Doanh nghiệp Việt này đang hoạt động ở 11 quốc gia, bao gồm cả Myanmar, nơi họ sở hữu 49% nhà mạng Mytel.
Sau cáo buộc của Facebook, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã lên tiếng phản hồi, khẳng định doanh nghiệp này luôn tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật và các quy tắc đạo đức trong kinh doanh:
"Theo bất kỳ cách nào, Tập đoàn Viettel không thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh phi đạo đức hay bất hợp pháp nào. Chúng tôi đang tích cực xác minh thông tin trên với Facebook. Bất kỳ nhân viên hoặc thành viên nào của nhóm, nếu được chứng minh là có liên quan trực tiếp, sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn."
Thị trường Myanmar đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của Viettel năm 2019.
Facebook trước đây đã cấm nhiều chiến dịch truyền bá thông tin giả mạo có yếu tố chính trị, thậm chí cả một số chiến dịch không có động cơ tài chính rõ ràng. Trong một số trường hợp, các nhóm tấn công đã thuê các bên thứ ba, như các công ty tiếp thị, để thúc đẩy lợi ích của mình. Tuy nhiên những điều này chủ yếu tập trung vào thao túng phát ngôn chính trị. Động thái của Facebook hôm 12/2 đánh đánh dấu lần đầu tiên một công ty (ở đây là Viettel) bị buộc tội thực hiện các chiến dịch giả mạo thông tin của riêng mình để nhắm mục tiêu vào đối thủ.
Facebook cũng điểm danh Gapit Communications, một công ty truyền thông có trụ sở tại Việt Nam, có liên quan tới các chiến dịch nói trên. Tổng số các trang mạng xã hội nói trên có số lượng người theo dõi là 265.600 tài khoản, liên quan tới ngân sách quảng cáo Facebook trị giá khoảng 1,2 triệu USD.
Phía Gapit từ chối bình luận và cho biết họ sẽ liên lạc với Facebook về vấn đề công ty Mỹ nêu ra.
Một phần trong số các bằng chứng liên quan tới mã nguồn của Facebook về những cáo buộc nói trên, đang được chia sẻ trên nhiều trang tin quốc tế.
Facebook cũng cảnh báo rằng cái gọi là "chiến dịch thông tin thương mại" như cáo buộc ở trên có thể trở nên phổ biến hơn trong tương lai.
"Tác động của các chiến dịch như vậy, nếu chúng thành công, có thể là cực kỳ đau đớn. Chúng có thể khiến các công ty bị mất giá trị hàng tỷ đồng và khiến CEO mất việc", Sharb Farjami, giám đốc điều hành toàn cầu của Storyful, một cơ quan tình báo về truyền thông xã hội có trụ sở ở Ireland, cảnh báo.
Tham khảo Financial Time, Medium