Tháng 2/2019, đây là cột mốc đầu tiên tôi đặt chân đến thành phố San Francisco của Mỹ để tham dự sự kiện Unpacked ra mắt Galaxy S10. Và lần này, tôi lại có dịp quay về chốn cũ, cảm nhận thành phố được mệnh danh là quyến rũ bậc nhất bờ Tây nước Mỹ.
Nhắc đến San Francisco, chắc có lẽ ai cũng nghĩ đến cây cầu Cổng Vàng Golden Gate - biểu tượng rất đặc trưng của thành phố này. Mang tên cầu Cổng Vàng, nhưng thực tế nó lại có màu cam đỏ chứ không hề có màu vàng đâu nhé.
Cái tên Golden Gate bắt nguồn từ việc cây cầu này bắc qua vùng địa lý có tên Eo biển Cổng Vàng (Golden Gate Strait). "Eo biển Cổng Vàng là vùng nước trải dài 3 dặm, rộng 1 dặm; nối liền giữa Thái Bình Dương với vịnh San Francisco", ông Paolo Cosulich-Schwartz, người thuộc đơn vị vận hành cây cầu này chia sẻ. "Người ta đã muốn xây dựng một cây cầu bắc qua eo biển vào giữa thế kỉ 19. Nhưng lúc đó, ý tưởng bị cho là viển vông do vùng nước quá sâu và chảy xiết", ông Paolo nói.
Nhưng mãi đến những năm 30 của thế kỷ 20, trải qua 7 năm xây dựng, cây cầu này mới chính thức đi vào hoạt động vào năm 1937. Và chắc có lẽ vì "lười" nên người ta cũng đặt tên nó là cầu Cổng Vàng cho nhanh...
Là biểu tượng không thể thiếu của thành phố này, cây cầu trở thành điểm đến check in của rất nhiều khách du lịch. Còn nếu không tin, bạn cứ vào Instagram và gõ từ khóa #goldengatebridge sẽ thấy kết quả trả về nhiều thế nào. Bên cạnh địa điểm check in cần-phải-có, cây cầu này cũng chịu biết bao thiệt hại nặng nề trong… các bộ phim bom tấn, từ khủng bố tấn công cho đến người ngoài hành tinh xâm chiếm.
Nhìn từ xa thì những dây cáp có vẻ khá nhỏ, nhưng bạn có biết rằng thực tế khi nhìn gần nó rất to đấy. Đứng ở công viên mình zoom bằng Galaxy S20 Ultra sang để xem các chi tiết của Golden Gate mà không cần phải chạy xe trực tiếp trên cầu đâu:
Zoom 10x này.
Và 30x này.
Một điểm thú vị khác là tổng chiều dài các sợi cáp cấu thành hai dây cáp chính là 80.000 dặm (129.000 km); tổng chiều dài này bằng 5,79 lần đường kính Trái Đất. Bên cạnh đó, tổng số đinh tán dùng cho cây cầu là 1.200.000 cây.
Cận cảnh "phẫu thuật" 1 sợi dây cáp của Golden Gate.
Được biết, mỗi sợi dây cáp được làm bằng 27.572 sợi kim loại. Đây là phần mình cắt ra sau khi zoom 100% từ bức ảnh gốc 108 MP chụp bằng Galaxy S20 Ultra và sẽ đề cập rõ hơn ở phần dưới.
Ngoài cầu Cổng Vàng, mình cũng dành chút thời gian ghé qua Pier 39 (cầu tàu số 39), một địa điểm du lịch cũng khá nổi tiếng khác của San Francisco. Nếu có dịp đến thăm thành phố này, hãy ghé qua nơi đây để được thỏa thích mua sắm quà lưu niệm, ăn uống và thậm chí là ngắm những chú sư tử biển nằm phơi nắng rất dễ thương.
Chụp bằng zoom lai 10x của Galaxy S20 Ultra.
Nơi đây ngày trước vốn là chỗ để các tàu thuyền neo đậu, nhưng giờ nó chỉ còn mang tính chất du lịch, thậm chí là những mặt gỗ nổi cũng mặc nhiên trở thành chiếc giường hấp dẫn cho các chú sư tử biển leo lên nghỉ ngơi.
Được biết, những chú sư tử biển này trước đây sống trên những mỏm đá ngoài vịnh, tuy nhiên sau khi phát hiện được khu vực lý tưởng ở Pier 39 đã rủ nhau "du lịch" đến đây, phơi nắng xả stress lại còn có nhiều cá để cho chúng ăn.
Sau một thời gian "ở nhờ" của sư tử biển, con người nơi đây bắt đầu quen với sự có mặt của chúng, chủ thuyền không tìm cách xua đuổi đi mà còn rất thích ngắm nhìn. Và cuối cùng do sự sinh sôi quá nhiều của sư tử biển, cũng như tránh việc neo đậu thuyền va chạm với chúng, chủ đầu tư bến tàu quyết định nhường bến tàu này lại cho sư tử biển và các con thuyền được di chuyển sang một nơi khác gần đó.
Nói thêm về chiếc điện thoại tôi cầm theo trải nghiệm thử, Galaxy S20 Ultra cho khả năng zoom lai lên đến 100x và Samsung đặt tên nó là Space Zoom. Tính năng này giúp ta có thể ngắm được những thứ xa hơn mà mắt thường (và những chiếc điện thoại khác) không thể thấy được.
Chẳng hạn như khi ghé ngang chỗ sư tử biển này, tôi nhìn mãi cũng chỉ thấy một cục bông gòn gì đấy xám màu trên sàn gỗ, cho đến khi zoom lại.
1x thông thường...
À há, 4x đã thấy được chú sư tử biển nằm lười đây này!
Và tới mức zoom 100x, tôi đã có thể ngắm được khuôn mặt cute của chú ta đang nằm ngủ say sưa mặc cho những tên sư tử biển khác đang kêu réo phía sau.
Ngoài sư tử biển, bạn cũng có thể bắt gặp khá nhiều những chú chim mòng biển ở đây. Nhìn bức ảnh này bạn có thấy chú chim ấy ở đâu không?
Đâu có thấy con chim nào đâu nhỉ?
Zoom 4x thử nhé.
10x, đã thấy chú rõ hơn rồi nhé!
Này thì 30x, chạy đâu cho thoát?
Dạo một vòng Pier 39 với một vài bức ảnh chụp được bằng Galaxy S20 Ultra:
Bên cạnh ngắm sư tử biển, bạn cũng nên thử đi tàu du thuyền dạo quanh vịnh San Francisco. Lời khuyên của mình là đi vào buổi chiều để có thể ngắm được hoàng hôn, khi Mặt Trời bắt đầu lặn xuống ngay cầu Cổng Vàng trông rất "tình".
Sóng ở đây khá lớn, cộng với gió mạnh làm việc cầm máy chụp ở mũi thuyền khá khó khăn, tuy nhiên hệ thống chống rung trên chiếc Galaxy S20 Ultra lại làm việc rất hiệu quả, cho mình những bức ảnh rất ưng ý.
Nằm ngay không gian mở của khu Civic Center, tòa thị chính thành phố San Francisco cũng thu hút nhiều du khách đến đây. Thực tế đây là tòa thị chính thứ 2 của thành phố này, được sử dụng thay thế cho tòa đầu tiên từng bị phá hủy sau trận động đất năm 1906.
Chụp thử bằng độ phân giải 108 MP. Theo cảm nhận cá nhân thì tốc độ chụp và xử lý 108 MP của S20 Ultra rất nhanh, chỉ tốn khoảng nửa giây sau khi bấm chụp là đã lưu ảnh xong.
Ảnh trên đã được resize cho phù hợp với trang web, các bạn có thể tải về vài ảnh gốc tại link này để tự zoom lên xem nhé. Lợi điểm khi chụp 108 MP là có thể bấm một lần duy nhất và sau đó về nhà khi buồn bạn có thể tự tay zoom bất cứ điểm nào trên hình, biết đâu tìm được thứ gì đó hay ho thú vị thì sao.
Thêm chút thông tin về tòa thị chính, tòa nhà này rộng 46.000 m2 và chiếm hai khu phố của San Francisco, kéo dài 119 m dọc theo tuyến phố đại lộ Van Ness - phố Polk và 83,25 m dọc theo phố Grove - McAllister.
Mái vòm của tòa nhà này theo kiến trúc của tòa nhà vòm Baroque Les Invalides của Mansart ở Paris và cũng là tòa nhà vòm lớn thứ 5 của thế giới, cao 94 m. Tòa nhà này chứa toàn bộ 7.035 tấn kết cấu thép, được ốp bề mặt bằng đá granite Hạt Madera, ốp phía trong bằng đá sa thạch Indiana và đá cẩm thạch từ Alabama, Colorado, Vermont, và Ý.
Đến gần hơn để ngắm mái vòm của tòa nhà này.
Nếu vẫn chưa đủ chi tiết, bạn có thể zoom lên 4x.
10x
30x
Và thậm chí là 100x.
Single Take cũng là một tính năng mới rất hay mà tôi muốn nhắc đến. Nếu như bạn đang "bí" ý tưởng thì đây sẽ là thứ cứu cánh rất lớn, bấm một lần và máy sẽ tự động ghi lại một đoạn video ngắn để sau đó dùng AI phân tích, đưa ra những kết quả bắt trọn khoảnh khắc đẹp từ ảnh chụp (góc rộng, góc tele, filter trắng đen…) cho đến video (trôi nhanh, xoay ngược…) vui nhộn để có thể đăng tải lên feed hoặc story đều rất ổn.
Tính năng Single Take trên Galaxy S20 Ultra
Nhìn chung, S20 Ultra mang đến giải pháp chụp ảnh rất toàn diện, có thể những sản phẩm trước đây cũng có các tính năng như zoom, siêu độ phân giải nhưng cách mà Samsung đem đến lại hoàn hảo hơn hẳn và đặc biệt là các chế độ như Single Take hay quay video 8K đẩy trải nghiệm của người dùng lên một tầm cao hơn. Bài đánh giá về video sẽ được chúng tôi đưa lên chi tiết hơn ở phần sau, mời quý độc giả đón theo dõi.