Facebook, Messenger… từ lâu đã nổi tiếng là những ứng dụng “ngốn” pin hàng đầu trên điện thoại.
Thông tin này tiếp tục được củng cố khi cựu nhân viên Facebook - George Hayward (một nhà khoa học dữ liệu) tiết lộ về Negative testing (thử nghiệm tiêu cực), cho phép các công ty công nghệ bí mật làm cạn kiệt pin trên điện thoại của người dùng dưới danh nghĩa thử nghiệm các tính năng, kiểm tra tốc độ ứng dụng hoặc cách hình ảnh được tải.
Hayward đã bị Meta, công ty mẹ của Facebook sa thải vào tháng 11 vì từ chối tham gia thử nghiệm tiêu cực. “Tôi đã nói với người quản lý, điều này có thể gây hại cho ai đó. Đừng làm tổn thương mọi người”, anh chia sẻ với The New York Post.
Hayward đã đệ đơn kiện công ty lên Tòa án Liên bang Manhattan. Trong đơn kiện, luật sư của Hayward, Dan Kaiser, chỉ ra rằng việc gây cạn kiệt pin điện thoại của người dùng có thể khiến mọi người gặp nguy hiểm, đặc biệt là trong những trường hợp họ cần liên lạc với người khác, đơn cử như cảnh sát hoặc nhân viên cứu hộ.
Các ứng dụng truyền thông xã hội như Facebook, Messenger có thể làm cạn kiệt pin điện thoại của người dùng.
Kaiser nói rằng hầu hết mọi người đều không biết rằng Facebook và các công ty truyền thông xã hội khác có thể cố tình làm cạn kiệt pin điện thoại. “Điều đó rõ ràng là bất hợp pháp. Thật phẫn nộ khi điện thoại của tôi hoặc pin có thể bị thao túng bởi bất kỳ ai”, luật sư của Hayward nói thêm.
Được thuê lần đầu vào năm 2019, Hayward đã nhận mức lương hàng năm sáu con số từ Meta. Nhưng khi công ty yêu cầu thực hiện thử nghiệm tiêu cực, Hayward đã từ chối và nói rằng điều đó là bất hợp pháp.
Khi còn làm việc tại Meta, công ty đã đưa cho Hayward một tài liệu đào tạo nội bộ có tiêu đề “Cách chạy các bài kiểm tra tiêu cực chu đáo”. Sau khi đọc tài liệu, Hayward nói rằng có vẻ như Facebook đã sử dụng thử nghiệm tiêu cực trước đây. “Tôi chưa bao giờ thấy một tài liệu nào kinh khủng hơn trong sự nghiệp của mình”, anh nói thêm.
Nếu cảm thấy điện thoại hao pin hơn so với bình thường, bạn có thể gỡ bỏ Facebook và Messenger để cảm nhận sự khác biệt. Trong trường hợp cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết.