Nhằm tuân thủ yêu cầu của giới chức chính trị và bảo vệ thông tin cho người dùng, kể từ thứ Ba tuần tới (ngày 22/5), mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook chính thức cho áp dụng các quy tắc quản lý mới đối với quảng cáo tin tức chính trị cũng như vận động chính trị.
Trước động thái này của Facebook, nhiều hãng tin lớn của Mỹ đã lên tiếng phản đối, bởi kế hoạch tung ra các quy tắc quản lý mới của Facebook với quảng cáo tin tức chính trị cũng như vận động chính trị sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến họ.
Nguyên do của việc phản đối này bởi các hãng tin tức đã dựa vào sự phổ biến của Facebook - với 2,2 tỷ người dùng, để thúc đẩy lưu lượng truy cập trực tuyến đến trang web và ứng dụng dành cho thiết bị di động của họ. Cùng với đó, Facebook ngày càng trở thành một nguồn cung cấp tin tức cho nhiều người Mỹ, thu hút sự quan tâm và đầu tư lớn từ các công ty truyền thông truyền thống.
Facebook đổi quy tắc quảng cáo khiến các hãng tin Mỹ điêu đứng. Ảnh chỉ để minh họa. |
Và các hãng tin Mỹ cho rằng, quy tắc quản lý mới này của Facebook quá rộng. Nhãn thông tin trên cũng sẽ xuất hiện trên các bài đăng sponsored (được tài trợ) mà các hãng tin tức đã mua để khuếch đại phạm vi tiếp cận của bài viết hoặc video về tin tức chính trị của họ trong ngày.
Liên quan đến vụ việc, bà Campbell Brown - Người đứng đầu bộ phận quan hệ với đối tác tin tức của Facebook, cho biết việc ngăn chặn thông tin sai lệch và "gây nhiễu" trong các cuộc bầu cử là một trong những ưu tiên hàng đầu của mạng xã hội lớn nhất thế giới.
"Chúng tôi đang thực hiện các thay đổi ảnh hưởng đến chính trị và phát hành quảng cáo, bao gồm các bài viết tin tức về chính trị.", bà Brown nói.
Theo kế hoạch, Facebook dự kiến bắt đầu áp dụng các quy tắc mới này kể từ thứ Ba tuần tới (tức vào ngày 22/5), với mục đích chống lại sự lây lan của thông tin sai lệch chính trị, tất cả quảng cáo trên Facebook có nội dung chính trị sẽ bị dán nhãn "Được trả tiền bởi" (Paid for by) và mạng xã hội này sẽ không chịu trách nhiệm với những quảng cáo bị dán nhãn.
Sở dĩ Facebook đang phải cố gắng thắt chặt các biện pháp quản lý đới với các bài viết mang nội dung chính trị, bởi mạng xã hội này đã bị chỉ trích vì cáo buộc tiếp tay cho tin tức giả mạo lan truyền và điều gọi là Nga can thiệp gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Theo đó, các nhà quảng cáo chính trị sẽ phải trải qua quy trình ủy quyền, trong đó họ sẽ phải khai báo danh tính, địa chỉ cư trú ở Mỹ và ứng viên, tổ chức hoặc doanh nghiệp mà họ đại diện trước khi có thể đặt quảng cáo cho ứng viên chính trị trên Facebook.
Mặc dù các hãng tin tức phàn nàn rằng, họ mua quảng cáo để quảng bá tin tức và những quảng cáo đó không được coi là giống quảng cáo chính trị, nhưng các quảng cáo có liên quan đến những tin tức chính trị cũng như vận động chính trị trên Facebook tới đây sẽ phải chịu sự quản lý khắc nghiệt hơn.