Trong bài viết của mình, Mike Schroepfer cho biết, lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập trong vụ Cambridge Analytica lên tới 87 triệu tài khoản chứ không phải dừng lại ở con số 50 triệu như thông tin trước đó.
Trong top 10 các quốc gia có số lượng người dùng bị ảnh hưởng nhiều nhất thì Mỹ đứng đầu với 70,6 triệu tài khoản bị lộ thông tin cá nhân. Tiếp sau lần lượt là Philippines với gần 1,2 triệu tài khoản, Indonesia (gần 1,1 triệu), Anh (1,079 triệu), Mexico (gần 790 nghìn), Canada (622 nghìn), Ấn Độ (563,4 nghìn), Brazil (443,1 nghìn), Việt Nam (427,4 nghìn) và Australia (311,1 nghìn).
Thông tin trên đáng chú ý trong bối cảnh vụ bê bối rò rỉ thông tin cá nhân khiến mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook chao đảo và bị nhiều người kêu gọi tẩy chay thời gian gần đây.
Trong một thông tin liên quan, hãng nghiên cứu thị trường Statista ước tính, đến tháng 1/2018, Việt Nam đang có 55 triệu người dùng Facebook, trong đó khoảng 0,77% người dùng bị khai thác và sử dụng thông tin cá nhân trái phép.
Lý do khiến người dùng Facebook tại Việt Nam dễ dàng bị lấy cắp thông tin cá nhân là vì thường chia sẻ các thông tin một cách công khai, thay vì chỉ hạn chế ở chế độ riêng tư hoặc chỉ dành cho bạn bè. Ngoài ra, nhiều người dùng còn cài đặt các ứng dụng trên Facebook mà không quá chú ý đến chức năng và quyền hạn của các ứng dụng này có thể khai thác thông tin mà người dùng chia sẻ trên mạng xã hội.
Tại Việt Nam, cuối tháng 3/2018, đại diện Facebook Việt Nam khẳng định “một số báo cáo gần đây cho rằng mạng xã hội này đã lưu trữ lịch sử cuộc gọi và tin nhắn SMS (văn bản) của người dùng mà không có sự cho phép của họ là không chính xác”.
Đại diện Facebook Việt Nam cũng khẳng định Facebook không bao giờ bán dữ liệu và tính năng này không thu thập nội dung tin nhắn văn bản hoặc cuộc gọi của người dùng. Thông tin của người dùng được lưu trữ an toàn và Facebook không bán thông tin này cho các bên thứ ba.