"Gậy ông đập lưng ông" khi dùng phần mềm lướt web ẩn danh như SuperVPN

Mạng riêng ảo (VPN) giúp người dùng lướt web ẩn danh, nhưng trớ trêu là chính họ lại đang thu thập dữ liệu người dùng và làm lộ những thông tin đó.

Theo một báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông, thông tin cá nhân của hơn 21 triệu người dùng ứng dụng VPN (mạng riêng ảo) dành cho thiết bị di động trên toàn thế giới đã bị tin tặc rao bán trực tuyến vào cuối tháng 02/2021. Dữ liệu bị đánh cắp bao gồm địa chỉ email, mật khẩu, thông tin thanh toán và ID thiết bị của người dùng sử dụng 03 ứng dụng SuperVPN, GeckoVPV, ChatVPN.

Các cuộc tấn công vẫn chưa được xác nhận bởi các nhà phát triển ứng dụng VPN, điều này thể hiện việc bảo mật chưa hiệu quả của ngành công nghiệp VPN.

"Gậy ông đập lưng ông" khi dùng phần mềm lướt web ẩn danh như SuperVPN - 1

Trước đây, đã có sai lầm tương tự xảy ra đối với các ứng dụng VPN từ năm 2019, bao gồm một vụ rò rỉ dữ liệu làm lộ ra việc một số ứng dụng VPN lưu giữ nhật ký về hoạt động của người dùng. Không những vậy, VPN còn lưu trữ thêm những dữ liệu bao gồm: Địa chỉ email, mật khẩu, địa chỉ IP, địa chỉ nhà riêng, số điện thoại và ID thiết bị.

Rò rỉ dữ liệu của ba ứng dụng SuperVPN, GeckoVPV và ChatVPN

Vào cuối tháng 02/2021, một người dùng đã đăng trên một diễn đàn hack phổ biến và tuyên bố đã đánh cắp thông tin tài khoản và thông tin đăng nhập thuộc về ba ứng dụng có trên cửa hàng Google Play dành cho Android là SuperVPN, GeckoVPV và ChatVPN.

Ba ứng dụng này có sự khác nhau về độ phổ biến. Theo thông kê của Google Play, ChatVPN có hơn 50.000 lượt cài đặt, với GeckoVPN là 10 triệu lượt cài đặt và SuperVPN là một trong những ứng dụng VPN miễn phí phổ biến nhất cho Android có tới hơn 100 triệu lượt cài đặt.

Vào tháng 4/2020, một người dùng đã phát hiện ra các lỗ hổng nghiêm trọng trong ứng dụng SuperVPN và viết đánh giá trên ứng dụng, cảnh báo người dùng nên xóa ứng dụng này. Bài đánh giá đã được nhiều người quan tâm và chỉ một tháng sau đó, một người đánh giá tại TechRadarPro đã cho rằng SuperVPN có chính sách quyền riêng tư vô giá trị, vì nó được ghép từ các chính sách của các công ty khác và có sự mẫu thuẫn trực tiếp trong các điều khoản trong chính sách quyền riêng tư của SuperVPN. Gần một năm sau đó, chính sách này lại trở thành tâm điểm chú ý với một vụ rò rỉ dữ liệu và khi đó nhiều người đã đặt ra cầu hỏi về loại thông tin mà ứng dụng SuperVPN thực sự đang thu thập là gì?

Ngoài thông tin về các dữ liệu bị tin tặc đánh cắp thì theo phát hiện của trang tin CyberNews, những dữ liệu khác như số seri thiết bị, loại điện thoại, thông tin nhà sản xuất, ID thiết bị và số IMSI của thiết bị cũng bị đánh cắp.

Một vài lỗ hổng được phát hiện trong các ứng dụng VPN trước đây

Sự thật đáng tiếc là việc rò rỉ dữ liệu từ các ứng dụng của VPN không phải là lần đầu. Vào tháng 10/2019, nhà cũng cấp ứng dụng VPN phổ biến NordVPN đã xác nhận rằng họ đã bị tấn công và dữ liệu bị rò rỉ có khả năng cho phép tin tặc tạo ra các máy chủ riêng ảo có thể bắt chước NordVPN.

Theo một báo cáo của các nhà nghiên cứu an ninh mạng tại vpnMentor thì vào tháng 7/2020, bảy nhà cung cấp VPN là: UFO VPN, Past VPN, Free VPN, Super VPN, Flash VPN, Secre VPN, Rabbit VPN đã để lộ 1,2TB dữ liệu riêng tư của 20 triệu người dùng bao gồm: Địa chỉ email, mật khẩu, địa chỉ IP, địa chỉ nhà riêng, điện thoại, ID thiết bị và nhật ký hoạt động Internet. Khi phân tích, vpnMentor phát hiện ra rằng, tất cả chúng đều có chung một máy chủ Elasticsearch, được lưu trữ trên cùng một nội dung, chia sẻ cùng một người nhận thanh toán duy nhất là Dreamfii HK Limited.

Hơn thế nữa, bảy ứng dụng này đều tuyên bố không ghi nhật ký hoạt động của người dùng. Tuy nhiên, vpnMentor cho rằng họ đã tìm thấy nhiều trường hợp nhật ký hoạt động Internet trên máy chủ chia sẻ của ứng dụng. Vì vậy, các ứng dụng này không chỉ không thực hiện cam kết, mà còn thu thập thêm dữ liệu mà người dùng không biết được.

Nên lựa chọn ứng dụng VPN nào?

VPN có thể giúp bảo vệ lưu lượng truy cập của người dùng khỏi sự giám sát của nhà cung cấp dịch vụ Internet. VPN cũng có thể giúp bảo vệ khỏi các yêu cầu của chính phủ đối với dữ liệu cá nhân người dùng. Vì vậy, làm thế nào để người dùng có thể tìm thấy một nhà cung cấp VPN đáng tin cậy thực sự để có thể bảo vệ hoạt động trực tuyến của mình? Dưới đây là một số lưu ý trước khi người dùng đưa ra lựa chọn:

- Đọc các bài đánh giá của một bên thứ ba đáng tin cậy về ứng dụng VPN mà người dùng đang muốn sử dụng.

- Đảm bảo rằng nhà cung cấp VPN có liên hệ hỗ trợ khách hàng.

- Kiểm tra chính sách bảo mật của ứng dụng VPN mà người dùng đang muốn sử dụng.

- Hãy thận trọng với các ứng dụng VPN miễn phí.

- Xem xét sử dụng ứng dụng VPN do một công ty mà mình tin tưởng phát triển.

Tham khảo: mic.gov.vn