Cuộc sống ngày nay chứng kiến sự đổi thay và tác động rất lớn từ công nghệ hiện đại, không khó để thấy chúng len lỏi vào cuộc sống không thiếu một góc cạnh nào. Giá trị của một món đồ thiết bị và phụ kiện công nghệ hợp thời nhìn chung cũng không hề nhỏ. Do đó, từ trước tới nay đây vẫn là mục tiêu yêu thích của những kẻ lừa đảo, trộm cắp để trục lợi cho bản thân mình trên nỗi đau của người khác.
Một thủ đoạn thường thấy và được nhiều kẻ xấu lợi dụng chính là cách giả danh nhân dạng người nước ngoài thông qua các tài khoản ảo trên mạng xã hội, từ đó dần tiếp cận và dụ dỗ mua hàng để chiếm đoạt mà không cần thanh toán. Mặc dù nhiều người đã khá quen mặt và tự phòng ngừa từ lâu, nhưng cũng có không ít những tâm hồn non nớt khác dễ bị sập bẫy vào tròng, tất cả chỉ vì chưa kịp hiểu biết kỹ càng và trang bị cho mình kỹ năng cảnh giác đúng lúc.
Facebook và Zalo là 2 nền tảng có dấu vết hoạt động nhiều nhất, cũng do lượng người dùng Việt Nam tìm kiếm và buôn bán, rao hàng phong phú trên các hội nhóm sau đó để lại thông tin mạng xã hội của mình để tiện liên lạc. Các bước tiếp cận con mồi quen thuộc thường là tìm kiếm con mồi thông qua các trang mua bán online, tiếp cận mục tiêu bằng một tài khoản với tên người nước ngoài, sau đó dùng lời lẽ trao đổi để moi móc thông tin ngân hàng cá nhân, từ đó lừa tiền nạn nhân một cách dễ dàng. Những thủ đoạn này không phải mới mẻ và khó gặp, nhưng nhiều người vẫn chưa kịp biết từ sớm để chuẩn bị trước những cách xử lý và tránh né kịp thời.
Một đoạn tin nhắn được chia sẻ trên Group Tinh Tế (Facebook) cho thấy kẻ lừa đảo đang cố đặt vấn đề không thể gặp trực tiếp, cố gắng moi thêm thông tin cá nhân của con mồi.
Vậy chúng làm cách nào để nạn nhân dễ dàng nghe theo răm rắp như vậy? Thực chất, lý do chúng hỏi thông tin cá nhân về tài khoản ngân hàng, email... nhằm mục đích tạo một bản sao hoá đơn giả, sau đó chụp ảnh lại để đánh lừa rằng giao dịch đã được thực hiện, nhưng vì sự cố nào đó mà tiền chưa tới đích. Trước đó, chúng cũng khôn ngoan tạo dựng một bối cảnh giả rằng mình đang ở nước ngoài, muốn mua tặng bạn nhưng không thể đến trực tiếp xem hàng được nên sẽ chuyển khoản cọc trước. Nếu cả tin, nhiều người sẽ dễ dàng bị thuyết phục bởi bức ảnh ghép giả mạo đó, nghe theo mà chuyển hàng luôn cho chúng, để rồi sau đó mới nhận ra tất cả chỉ là một màn kịch xuất sắc.
Một số những dấu hiệu đã được cư dân mạng cùng nhau đúc kết và chia sẻ lẫn nhau để cảnh giác trước những loại hình lừa đảo này ngay từ giây phút đầu tiên. Trước hết, chuyện người nước ngoài tự nhận bên Mỹ lại biết dùng Zalo, có số điện thoại đăng ký Việt Nam như thường đã là một minh chứng cho thấy sự mâu thuẫn. Ngoài ra, hãy để ý tới cách hành văn và ngữ pháp tiếng Anh, sẽ rất dễ để thấy các lỗi chính tả và sai sót ngớ ngẩn, vốn sẽ khó xảy ra đối với một người bản địa.
Đừng để những ngày Tết sắp tới trở thành dịp tiền mất tật mang không đáng có ngay trước thềm một năm mới chuẩn bị cập bến. Hãy luôn ghi nhớ những kiến thức cần thiết để nhận biết kịp thời và tránh xa những thủ đoạn lừa lọc, mất cả chì lẫn chài.