Ru cho con ngủ rồi tranh thủ giặt đồ cho con, Mỹ Linh - một mẹ bỉm sữa tại Gia Lâm, Hà Nội, vừa có chút thời gian nghỉ ngơi thì chợt nhớ ra đồ dùng sơ sinh cho con sắp hết. Tranh thủ đang có nhiều đợt khuyến mãi cuối năm, chị mở ứng dụng mua sắm online, chọn loại cần mua và chọn phương thức thanh toán trực tuyến.
Bằng cách đó, chị đã tiết kiệm được 50% giá trị hàng hóa theo chương trình ưu đãi từ cửa hàng và còn được giảm thêm 50.000đ do thanh toán trực tuyến bằng thẻ tín dụng. Tính ra, riêng đơn hàng này chị đã tiết kiệm được 200.000đ khi kết hợp cả hai chương trình ưu đãi.
Từ ngày có hai con nhỏ, cô gái sinh năm 1993 hay tung tăng khắp các con phố sầm uất ngày nào không còn có nhiều thời gian cho việc đi mua sắm nữa. Ngồi ôm điện thoại, lướt qua những trang web mua sắm trực tuyến là lựa chọn khả dĩ nhất với cô lúc này để tiết kiệm thời gian.
"Không chỉ tiện, nếu biết tận dụng lợi thế của các chương trình ưu đãi khi thanh toán bằng thẻ tín dụng, thanh toán trực tuyến hoặc quét mã QR của ngân hàng, mình còn tiết kiệm được kha khá tiền", Linh nói và cho biết với một người mẹ trẻ có mức thu nhập trung bình khá như cô thì "tiết kiệm được bao nhiêu, tốt bấy nhiêu".
Mỹ Linh có thể được coi là một điển hình trong phong cách "tiêu dùng số" của thế hệ trẻ Việt Nam, những người sinh ra trong quãng thời gian từ năm 1980 - 2000 sớm được tiếp cận với sự thay đổi của công nghệ. Báo cáo Nghiên cứu Thế hệ Trẻ Việt Nam do British Council công bố mùa hè vừa qua đã khẳng định, đời sống số đã dễ dàng thâm nhập vào đời sống của người trẻ Việt Nam theo nhiều cách, bao gồm cả việc mua sắm và thanh toán trực tuyến.
Ngoài lý do tiện lợi, nhanh gọn và tiết kiệm thời gian, giống như Mỹ Linh, rất nhiều người trẻ cho biết, lựa chọn hình thức thanh toán không tiền mặt để tiết kiệm chi phí nhờ các chương trình ưu đãi của ngân hàng.
Anh Tuấn Tú (Hoàng Mai, Hà Nội) là "fan nhà Táo". Mỗi khi Apple ra sản phẩm mới anh sẽ tìm mua bằng được. Mặc dù vậy, anh cũng không quên tìm cho mình những cách thức để vừa mua được hàng vừa tiết kiệm chi phí tốt nhất. Khi iPhone 12 ra mắt, tận dụng chương trình ưu đãi từ cửa hàng và ngân hàng, anh đã tiết kiệm được tới 5 triệu đồng trong việc bổ sung iPhone 12 vào bộ sưu tập đồ công nghệ của mình.
"Ngoài 'săn' được ưu đãi từ cửa hàng bán điện thoại, tôi còn tiết kiệm được 2 triệu đồng và nhận thêm một bộ quà tặng trị giá tới 3 triệu đồng khi đặt mua điện thoại iPhone 12 bằng thẻ tín dụng của TPBank", Tú vui vẻ nói.
Để bắt kịp với sự thay đổi trong phong cách "tiêu dùng số" của giới trẻ, đồng thời cũng khuyến khích thói quen thanh toán không tiền mặt, các ngân hàng cũng thường xuyên tung ra các chương trình ưu đãi cho thẻ tín dụng, thanh toán online, mã QR. Những ưu đãi này hiện diện ở khắp mọi nơi, từ quán café, nhà hàng đến cửa hàng tiện lợi, cửa hàng đồ gia dụng hay dịch vụ du lịch.
Ông Đinh Văn Chiến, Giám đốc Khối Ngân hàng cá nhân tại TPBank cho biết: "Không chỉ là một trong những ngân hàng dẫn đầu về xu hướng số hóa các dịch vụ ngân hàng, TPBank luôn đặt khách hàng vào trọng tâm, thấu hiểu tâm lý và nhu cầu của khách hàng, vì vậy thường xuyên áp dụng các chương trình ưu đãi cho khách hàng khi thanh toán không tiền mặt".
"Liên tục trong năm, TPBank thực hiện hàng chục chương trình ưu đãi lớn nhỏ với tổng ngân sách lên tới 50 tỷ đồng ở các mảng sản phẩm, dịch vụ khác nhau như miễn phí chuyển tiền; hoàn tiền đến 50% khi nạp tiền điện thoại, thanh toán chi phí qua ứng dụng TPBank; cộng thêm 0,2% lãi suất khi gửi tiết kiệm online; hoàn tiền hay nhận chiết khấu trực tiếp và tích điểm đổi quà tặng khi chi tiêu với thẻ tín dụng…".
Mỹ Linh ước tính rằng, với mỗi lần sử dụng ưu đãi của ngân hàng TPBank mà cô đang sử dụng, cô tiết kiệm được từ 10% - 50% giá trị đơn hàng. "Tính riêng từng đơn hàng, số tiền ưu đãi có thể không nhiều, thường chỉ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn với hàng giá trị cao. Nhưng nếu cộng dồn lại, có những tháng tôi tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng", Linh cho biết.
Gần đây nhất, Linh kể, cô đã giảm được 50% thẻ nạp tiền điện thoại di động trị giá 500.000đ cho bố mẹ chồng qua ứng dụng TPBank Mobile. Và dịp 20/11 vừa rồi, Linh cũng đã tiết kiệm được thêm được 50.000đ khi mua hoa tặng cô giáo của cô con gái đầu.
Theo ông Chiến, nếu biết cách tận dụng ưu đãi của ngân hàng, khách hàng có thể tiết kiệm được khoảng gần 10 triệu đồng mỗi năm. Đây là một số tiền không hề nhỏ, đủ để đóng tiền ăn bán trú cho một học sinh tiểu học ở trường công lập trong vòng một năm. Hay với những bạn trẻ thích đi du lịch, số tiền này thừa sức để thực hiện một chuyến du lịch Đà Nẵng, Phú Quốc sang, xịn, mịn hoặc check-in tại các địa điểm gây bão mạng xã hội như ruộng bậc thang chín vàng và cánh đồng hoa tam giác mạch trải rộng ở Tây Bắc vào mùa thu.
Chính vì vậy, với nhiều người trẻ như Mỹ Linh hay Tuấn Tú, tiết kiệm tiền bằng cách săn ưu đãi hoặc lựa chọn những cửa hàng café, hàng ăn được giảm giá khi thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc thanh toán online qua ứng dụng ngân hàng đã trở thành một thói quen.