Cảnh sát Hàn Quốc vừa chính thức vào cuộc điều tra ứng dụng nhắn tin Telegram về cáo buộc nền tảng này có liên quan đến việc phát tán nội dung deepfake khiêu dâm. Động thái này diễn ra sau khi dư luận và giới chính trị gia bày tỏ sự bức xúc về các video tình dục kỹ thuật số giả mạo hình ảnh phụ nữ Hàn Quốc, thường xuất hiện trong các phòng chat trên Telegram.
Trước đó, Ủy viên Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc, ông Cho Ji-ho, đã tuyên bố cơ quan này đang xem xét khả năng buộc tội các ứng dụng nhắn tin bảo mật vì tội danh tiếp tay cho tội phạm. Tuy nhiên, giới chức trách vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về thông tin mới nhất này.
Cuộc điều tra diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang tăng cường trấn áp các tội phạm deepfake có tính chất bóc lột tình dục. Đồng thời, Pháp cũng đang tiến hành điều tra Pavel Durov, nhà sáng lập người Nga của Telegram, về các hoạt động tội phạm có tổ chức trên nền tảng này.
Telegram khẳng định họ đang tích cực kiểm duyệt nội dung có hại, trong đó cả nội dung khiêu dâm bất hợp pháp. Tuy nhiên, theo báo cáo của Security Hero, Hàn Quốc là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ nạn deepfake người nổi tiếng, với các ca sĩ và diễn viên chiếm tới 53% trong số những người bị giả mạo.
Làn sóng biểu tình chống lại deepfake khiêu dâm nổ ra tại Hàn Quốc ngày 30/8 vừa qua.
Số liệu từ cảnh sát Hàn Quốc cho thấy số vụ án liên quan đến tội phạm deepfake đã tăng đột biến trong năm nay, lên tới 297 vụ, so với 156 vụ trong cả năm 2021. Đáng lo ngại hơn, hầu hết nạn nhân và thủ phạm đều là thanh thiếu niên.
Trước tình hình này, các cơ quan quản lý truyền thông Hàn Quốc đã đề nghị Pháp hợp tác chặt chẽ hơn trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến Telegram, đồng thời tạo điều kiện để có thể giao tiếp trực tiếp với ứng dụng này. Chính phủ Hàn Quốc cũng đang thúc đẩy việc ban hành các luật lệ nghiêm khắc hơn, nhằm hình sự hóa hành vi mua hoặc xem nội dung deepfake khiêu dâm.