Trăng xanh chính là đêm trăng tròn thứ 2 xảy ra trong cùng một tháng, trong khi hành tinh màu xanh hiếm khi có thể nhìn thấy chính là Sao Thiên Vương. Hành tinh này không thể quan sát từ Trái Đất ngoại trừ thời gian hiếm hoi nó tiến gần điểm thẳng hàng giữa Trái Đất và mặt trăng.
Với điểm thẳng hàng rơi vào ngày 31-10, Sao Thiên Vương sẽ ở khoảng cách gần Trái Đất nhất trong năm. Trước đó, từ giữa tháng 9, người Trái Đất đã may mắn thấy được hành tinh này mờ tỏ. Nếu nhìn bằng mắt thường ở điều kiện bầu trời trong xanh, ít bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm, bạn chỉ có thể thấy nó như một ngôi sao rất mờ trong chòm sao Bạch Dương. Nhưng nếu có thêm phương tiện quan sát cá nhân, đây là dịp may hiếm có.
Qua ống kính cận cảnh của NASA, Sao Thiên Vương hiện ra với màu xanh lơ đẹp mắt vì là một quả cầu băng giá tuyệt đối. Từ Trái Đất, chúng ta sẽ thấy nó màu xanh lam hoặc xanh lá.
Đặc biệt là trong cùng thời điểm này bầu trời cũng xuất hiện mưa sao băng Taurid, vốn bắt đầu xảy ra từ giữa tháng 10 và đang ngày một dày đặc. Mưa sao băng Taurid thật ra chia làm 2. Dự tính đến ngày 4-11 theo giờ Việt Nam mưa sao băng Nam Taurid sẽ đạt cực đỉnh, còn Bắc Taurid đạt cực đỉnh vài ngày sau đó.
Các nhà khoa học lưu ý rằng trong đêm trăng xanh, ánh sáng quá rực rỡ từ mặt trăng có thể làm mờ 2 sự kiện còn lại. Nhưng bạn không cần lo lắng, bởi mưa sao băng Taurus và Sao Thiên Vương vẫn có thể quan sát tốt trong những ngày sau đó.
Theo Earth Sky, hãy đi tìm chòm sao Kim Ngưu (Taurus). Chính vì xuất hiện gần chòm sao này mà trận mưa sao băng mới có tên Taurid. Mưa sao băng này xảy ra khi Trái Đất đi vào phần đuôi đá bụi của sao chổi 2P/Encke.