Sau rất nhiều công sức của giới khoa học xác định được nguồn khả dĩ của "hạt ma quỷ" là AT2019dsg - một cuộc chạm trán bạo lực giữa một lỗ đen và một ngôi sao, một nghiên cứu mới từ Đại học Northwestern (Mỹ) lại cho thấy AT2019dsg không đủ sức mạnh để tạo ra "hạt ma quỷ" mà phải là một thứ gì khủng khiếp hơn ẩn nấp sau nó.
Theo nhà thiên văn học Kate Alexander, trưởng nhóm nghiên cứu, họ đã phân tích lại sóng vô tuyến phát ra từ AT2019dsg và nhận thấy tuy nó có thể tạo ra "hạt ma quỷ" vào một thời điểm nào đó, nhưng không đủ năng lượng để tiếp tục phóng luồng vật chất bí ẩn này xuống Trái Đất nhiều tháng sau đó như những gì các nhà khoa học tiếp tục phát hiện.
Theo Science Alert, AT2019dsg được phát hiện lần đầu vào tháng 4-2019, từ một thiên hà cách chúng ta tận 750 triệu năm ánh sáng. Các quan sát bằng tia X và vô tuyến đã xác nhận sự hiện diện của một lỗ đen "quái vật" khối lượng 30 triệu Mặt Trời và một ngôi sao khổng lồ đang bị nó bắt lấy và xé toạc. 6 tháng sau, "hạt ma quỷ" IC19001A được phát hiện nhờ máy dò hạt neutrino IceCube ở Nam Cực, đạt mức năng lượng lên tới hơn 200 teraelectronvolt. Nó nhanh chóng được liên kết với sự kiện lỗ đen "ăn" sao khổng lồ.
Nhưng theo tính toán mới, để IC19001A đến được Trái Đất với độ mạnh đó, mức năng lượng từ sự kiện phải gấp 1.000 lần so với AT2019dsg. Chưa kể sau đó IceCube tiếp tục phát hiện thêm "hạt ma quỷ".
Do đó, dù đến từ phía AT2019dsg, rõ ràng các hạt ma quỷ phải có nguồn gốc khủng khiếp hơn, từ một sự kiện hoặc một chuỗi sự kiện bí ẩn nào đó ẩn nấp đằng sau chiếc bóng của AT2019dsg.
Neutrino được gọi là "hạt ma quỷ" vì có khối lượng gần như bằng không, di chuyển với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng và không thực sự tương tác với vật chất bình thường. Một nghiên cứu cho thấy chúng đã đi xuyên qua hành tinh của chúng ta như xuyên qua một chiếc bóng, nên nhiều nhà khoa học có ý định tận dụng neutrino cho các nghiên cứu liên quan đến "nội thất" của Trái Đất - đơn giản vì nó xuyên được mọi thứ.
Nghiên cứu mới vừa công bố trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal.