Các công nghệ tài chính đang ngày càng thu hút được sự chú ý của người dùng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhờ sự an toàn và tiện lợi.
Theo nghiên cứu của Kaspersky, phần lớn (90%) những người châu Á được hỏi đã sử dụng ứng dụng thanh toán di động ít nhất một lần trong 12 tháng qua, khẳng định sự bùng nổ của công nghệ fintech trong khu vực.
1. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai
Ngân hàng và nhân viên ngân hàng không bao giờ yêu cầu người dùng cung cấp mã OTP dưới bất kỳ hình thức nào. Do đó, bạn tuyệt đối không gửi mã OTP cho bất kỳ ai, thậm chí kể cả khi người đó tự xưng là công an, cơ quan điều tra, tòa án…
Đa số các ngân hàng hiện nay đều cho phép người dùng tạo mã OTP cố định (hay còn được gọi là Smart OTP, Soft OTP…) thay vì nhận mã xác thực thông qua tin nhắn, email như trước đây. Việc này sẽ tăng thêm độ an toàn, bổ sung thêm một lớp bảo vệ khi giao dịch trực tuyến.
Không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai. Ảnh: TIỂU MINH
2. Bảo mật thông tin thẻ tín dụng, tài khoản
Tuyệt đối không cung cấp thông tin thẻ tín dụng (số thẻ/mã PIN/ngày hết hạn/mã CVV/mã CVC) cho bạn bè, người thân… dưới bất kỳ hình thức nào.
Không lưu lại thông tin thẻ/nhập thông tin thẻ vào các trang giao dịch không đáng tin cậy. Đồng thời bạn cũng không nên chụp, lưu ảnh thẻ tín dụng trên điện thoại hoặc gửi qua tin nhắn, phòng tránh trường hợp thất thoát thông tin khi bị mất thiết bị.
Không cho mượn thẻ hoặc thực hiện giao dịch dùm người khác.
Không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân, thông tin tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai, và tất nhiên là không chia sẻ công khai các thông tin này lên mạng xã hội.
3. Cảnh giác với email, tin nhắn giả mạo ngân hàng
Người dùng cần phải cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi, email không hiển thị tên thương hiệu ngân hàng, hoặc yêu cầu nhấp vào các liên kết đính kèm trong tin nhắn, email.
Tin nhắn ngân hàng giả mạo. Ảnh: TIỂU MINH
Dạo gần đây, có khá nhiều người nhận được tin nhắn giả mạo ngân hàng nhằm mục đích lấy cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Hình thức lừa đảo giả mạo tin nhắn ngân hàng xuất hiện lần đầu tiên vào cuối 2020. Đây là thời điểm cận tết nên các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra rất nhộn nhịp với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Đa số các mẫu điện thoại hiện nay đều sẽ gộp chung các tin nhắn có tên giống nhau vào cùng một mục, chính vì điều này, kẻ gian đã mua dịch vụ SMS Brandname trùng với tên của ngân hàng nhằm giả mạo tin nhắn ngân hàng, đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền của người dùng.
4. Thay đổi mật khẩu định kỳ cho tài khoản Internet Banking
Để đảm bảo an toàn, người dùng nên đặt mật khẩu khó đoán gồm nhiều ký tự. Lựa chọn hình thức đăng nhập có tính bảo mật cao như vân tay, mống mắt…
Trong trường hợp cảm thấy nghi ngờ tài khoản bị xâm nhập, bạn hãy ngay lập tức thay đổi mật khẩu.
Cài đặt các phần mềm lưu trữ mật khẩu nhằm quản lý tài khoản tốt hơn. Đặc biệt, không dùng chung một mật khẩu để đăng nhập ngân hàng điện tử và các tài khoản mạng xã hội.