Lưu ý: Việc bán điện thoại cho một cửa hàng hoặc kênh trung gian nào đi chăng nữa, số tiền mà người dùng nhận được sẽ ít hơn so với bán trực tiếp cho một người cần mua. Bán điện thoại cũ cũng sẽ có tỷ lệ khấu hao nhất định so với giá gốc, nhưng điều quan trọng là bạn phải chăm chút để chiếc điện thoại không bị mất giá khi bán.
Không bỏ qua vỏ bảo vệ
Ai chẳng muốn một chiếc điện thoại không vướng víu bất cứ điều gì khi cầm nắm trên tay, nhưng việc trang bị một chiếc ốp lưng sẽ giữ cho mặt kính của nó không bị trầy xước, thậm chí vỡ vụn. Dĩ nhiên vỏ bảo vệ sẽ làm mất đi sức hấp dẫn của màu sắc hoặc thiết kế đặc biệt trên điện thoại, nhưng một chiếc vỏ bảo vệ là điều cần thiết.
Tốt nhất hãy mua vỏ bảo vệ ngay khi bạn sử dụng điện thoại, vì điện thoại có thể bị làm rơi và vỡ chỉ trong vòng vài phút sau khi được khui hộp. Tốt nhất hãy mua loại vỏ bảo vệ bao phủ toàn bộ xung quanh các cạnh của điện thoại.
Tấm bảo vệ màn hình
Đây là một loại phụ kiện dán lên màn hình gốc của điện thoại, có thể là kính cường lực hoặc nhựa, nhưng có vẻ kính cường lực là tốt nhất. Có rất nhiều kính cường lực có thể mua trực tuyến hoặc ngay tại các cửa hàng uy tín. Mua một kính cường lực tốt từ một cửa hàng uy tín có thể tốn kém nhưng tiền nào của nấy, chi tiền cho một miếng bảo vệ màn hình tốt sẽ mang đến giá trị lâu dài tốt hơn nhiều, và có thể giúp người dùng kiếm thêm hàng triệu đồng cho điện thoại khi đến lúc bán nó.
Giữ hộp và tất cả các phụ kiện
Không chỉ các cửa hàng mà ngay cả những người mua lại điện thoại đều rất thích các phụ kiện gốc của thiết bị, đặc biệt là bộ sạc. Nhưng nếu muốn điện thoại được giá hơn nữa, kèm thêm hộp đựng sẽ tốt hơn nữa. Hãy cố gắng giữ hộp đựng ở trạng thái ban đầu hoặc gần nhất để thiết bị của người dùng trở nên hấp dẫn hơn, từ đó có thể khiến việc bán thuận tiện hơn, mặc dù số tiền nhận được không quá nhiều.
Làm sạch điện thoại trước khi bán
Điều này rất quan trọng, cho dù bán điện thoại cho người lạ, thông qua một cửa hàng hoặc thậm chí đến các nhà sản xuất trong chương trình “thu cũ đổi mới”, người dùng sẽ nhận được số tiền nhiều hơn nếu điện thoại trông mới vẻ và hoạt động như mới so với điện thoại nhớp nháp, bẩn thỉu.
Vì không được trả tiền cho đến khi người mua kiểm tra thiết bị của mình nên người dùng có thể không nhận được mức giá phù hợp với yêu cầu nếu điện thoại đã sử dụng không được sạch sẽ như mong đợi của bên mua. Do đó, làm sạch điện thoại trước khi bán nó là điều rất đáng.
Còn đối với các bộ phận linh kiện khác, người dùng hãy nhớ lau hộp bằng khăn ẩm nhẹ hoặc khăn giấy vì chẳng ai dại dột mà đi mua bụi bẩn cả.
Sửa chữa màn hình bị nứt sẽ kiếm được nhiều tiền hơn
Điện thoại bị hỏng vẫn giữ một giá trị nhất định vì chúng có thể được tân trang hoặc tháo và bán các bộ phận để tái chế hoặc sửa chữa các điện thoại khác. Tuy nhiên người dùng có thể kiếm được nhiều tiền hơn nếu tiến hành đầu tư sửa chữa điện thoại bị hỏng trước khi cố gắng bán nó cho các cửa hàng hoặc người mua lại thông thường.
Nhưng không phải lúc nào sửa chữa trước khi bán lại sẽ kiếm “lời”, bởi nếu chi phí cho việc sửa chữa cao hơn mức giá chênh lệch mà người dùng nhận được khi bán điện thoại đã sửa chữa so với chưa "đụng chạm" thì cứ bán điện thoại hư hỏng nhanh cho khỏe.
Trong mọi trường hợp, người dùng sẽ cần phải sao lưu điện thoại của mình và đưa nó trở lại cài đặt gốc trước khi tắt máy và bán cho khách hàng. Điều này sẽ giúp bảo vệ danh tính cá nhân cũng như đảm bảo bạn giữ tất cả ảnh và dữ liệu khác mà mình cần để chuyển sang một thiết bị mới.