1. Việt Nam thực hiện thành công chữa bệnh từ bào thai
Ở tuần thai 12, chị Lộc Thị Hường (sinh năm 1997) đi khám và được thông báo mang song thai, một thai đã lưu nhưng ngày càng phát triển và to hơn thai còn lại. Chị Hường được xác định mắc hội chứng truyền máu song thai chung một bánh rau với biến chứng thai không tim.
Ở tuần 26, các bác sĩ bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tiến hành hội chẩn và thực hiện mổ can thiệp bào thai (đưa dụng cụ vào buồng ối để can thiệp, sau đó đóng lại chờ thai tiếp tục phát triển đến đủ tháng). Ca mổ can thiệp nhằm cắt đứt hoàn toàn dinh dưỡng, nguồn sống cho thai hỏng, giữ em bé còn lại trong bụng lâu nhất có thể.
Đến tuần 33, sản phụ được mổ lấy thai. Thai nhi nặng 1,2 kg, phát triển tốt. Các bác sĩ cũng tiến hành lấy khối thai không tim, lúc này đã phù to gấp đôi thai khỏe mạnh.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện công đầu tiên ở nước ta thực hiện can thiệp bào thai. Đến nay, ngoài trường hợp sản phụ Hường đã sinh con, còn 13 sản phụ khác đã được can thiệp ổn định và đang theo dõi thai tại bệnh viện.
2. Sinh viên Việt sản xuất pin từ vỏ trấu
Với 10 tháng làm việc hết công suất, nhóm nghiên cứu của Phòng Thí nghiệm Hóa - Lý ứng dụng ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã sản xuất thành công pin Li-ion từ vỏ trấu.
Pin cúc áo được sản xuất từ vỏ trấu
Vỏ trấu được xử lý tổng hợp bằng quá trình nung khí trơ đặc biệt. Sản phẩm thu được là vật liệu silic phủ carbon có cấu trúc xốp, phù hợp để sử dụng cho cực âm pin Li-ion. Với vật liệu tổng hợp được, tiến hành sản xuất pin cúc áo hoàn chỉnh.
Qua thử nghiệm, dung lượng của pin đạt khoảng 3.000 mAh/g so với vật liệu carbon graphite thông dụng hiện tại là 300 mAh/g, pin hoạt động ổn định trong 500 chu kỳ thử nghiệm (1 chu kỳ/ngày), có thể thay thế hoàn toàn vật liệu carbon graphite. Đây là lần đầu tiên Việt Nam sản xuất thành công pin từ nguồn nguyên liệu này.
3. Chip mã hoá không thể bẻ khoá đầu tiên trên thế giới
Đây là kết quả thu được sau nhiều năm nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học tại Đại học St Andrews (Scotland), kết hợp cùng với các đồng nghiệp quốc tế tại Đại học Khoa học và Công nghệ King Abdullah (KAUST).
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã phát triển một con chip silicon đặc biệt vốn ứng dụng các quy tắc vật lý tự nhiên, bao gồm thuyết hỗn mang (Chaos Theory) và định luật thứ hai của nhiệt động lực học, để tăng cường khả năng mã hóa. Các nhà khoa học cho biết phương pháp mã hóa vừa được phát triển hoàn toàn ‘miễn nhiễm’ với các phương pháp bẻ khóa truyền thống, do chúng không có phần mềm hay các đoạn mã lập trình để hacker có thể thao tác hay can thiệp. Công nghệ mã hóa mới này cũng được ca ngợi là có khả năng ngăn chặn mối đe dọa của máy tính lượng tử, đồng thời có thể sử dụng trong các hệ thống liên lạc sẵn có.
4. Gân kim loại lỏng giúp robot chữa lành vết thương
Tại Nhật Bản, các nhà nghiên cứu robot từ Phòng thí nghiệm JSK của Đại học Tokyo vừa tạo ra một chân robot nguyên mẫu với một đường gân kim loại có thể sửa chữa gãy xương.
Các nhà nghiên cứu phát triển loại gân kim loại đặc biệt cho robot đến từ Nhật cho biết mô-đun sẽ tự phục hồi bao gồm hai nửa được kết nối thông qua nam châm và lò xo. Mỗi nửa mô-đun được lấp đầy bằng một hợp kim có nhiệt độ nóng chảy thấp chỉ 50 độ C. Khi cầu chì bị vỡ, các hộp mực làm nóng chảy hợp kim và cho phép hai nửa hợp nhất lại với nhau. Đây được coi là một bước đột phá trong tương lai của các loại robot.
5. Ai của Google xác định ung thư vú chuẩn hơn bác sĩ
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature cho thấy trí tuệ nhân tạo của Google đã được ứng dụng để giúp các bác sĩ phát hiện ung thư vú. Đặc biệt, kết quả cho thấy mô hình sử dụng trí tuệ nhân tạo giúp giảm tỷ lệ âm tính giả xuống 9,4%, trong khi tỷ lệ dương tính giả giảm xuống 5,7% tại Mỹ và giảm tỷ lệ âm tính giả 2,7% và dương tính giả 1,2% tại Anh. Điều đó cho thấy mô hình này chính xác hơn cả bác sĩ. Tuy nhiên, Google nhấn mạnh rằng đây là công cụ để hỗ trợ, chứ không thay thế bác sĩ.
6. Phương pháp mới giúp xóa sổ mảng bám Alzheimer
Nghiên cứu do MIT dẫn đầu đã tìm thấy ánh sáng nhấp nháy và tiếng vo vo tần số thấp có thể được sử dụng để tái tạo sóng não bị mất, từ đó loại bỏ mảng bám và cải thiện chức năng nhận thức ở những con chuột được thiết kế để thể hiện hành vi giống như mắc bệnh Alzheimer.
Não chuột khi được điều trị bằng phương pháp mới.
Mặc dù các ứng dụng thực tế của phương pháp có vẻ hơi hạn chế, nhưng kết quả chỉ ra một cách có thể giúp não phục hồi sau sự kìm kẹp của bệnh Alzheimer. Cho đến nay thử nghiệm sớm cho an toàn đã cho thấy quá trình dường như không có tác dụng phụ rõ ràng nhưng cần phải có thêm các nghiên cứu.
7. Công nghệ giúp tăng tốc du hành không gian trong tương lai
Dựa trên công nghệ có tên "Cánh buồm nhẹ" từng được trình bày vào năm 2016 bởi cố giáo sư Stephen Hawking và tỷ phú người Nga Yuri Milner, Học viện Công nghệ Rochester ở New York đã tạo ra một phiên bản mới.
Sự cải tiến này dùng cho dự án Đột phá Starshot, chuyên dùng để chế tạo một tàu vũ trụ có thể "chèo thuyền" xuyên không gian đến các Hệ Mặt trời xa xôi bằng sức mạnh của tia mặt trời hoặc laser từ Trái đất. Tốc độ tiềm năng của một con tàu sử dụng một cánh buồm như vậy tương đương với 20% tốc độ ánh sáng, tương đương 215 triệu km mỗi giờ, nếu nó được cung cấp bởi một loạt các tia laser có tổng công suất 100 gigawatt. Bằng cách này, một tàu vũ trụ nhỏ như LightSail được sử dụng cho các thí nghiệm sẽ có thể chạm tới ngôi sao gần nhất tới Trái đất, Proxima Centauri, trong khoảng 21 năm. Tuy nhiên, việc thực sự tăng tốc tàu vũ trụ lên tốc độ còn đòi hỏi nhiều thử nghiệm tương lai.
8. Phương thức mới làm sạch bụi trên các tấm pin mặt trời
Dựa vào các tính chất tự làm sạch của lá sen, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Ben-Gurion của Negev đã xác định được lực siêu nhỏ và các cơ chế có thể được tối ưu hóa để làm sạch bụi trên các tấm pin mặt trời nhằm duy trì hiệu quả và khả năng hấp thụ ánh sáng. Kỹ thuật mới thay đổi chất nển silicon (Si) và chất bán dẫn trong pin mặt trời để sử dụng tính siêu kỵ nước từ lá sen. Kỹ thuật mới đã loại bỏ 98% số lượng bụi.
9. Trái cây in 3D ăn được
Nhà thiết kế Meydan Levy (Israel) in 3D trái cây nhân tạo ăn được chứa các chất khoáng và vitamin thiết yếu cho cơ thể người.
Cụ thể, cô tạo ra 5 loại quả nhân tạo mới. Kết quả làm từ cellulose, hợp chất hữu cơ có trong thực vật sống. Các vi ống cellulose của quả nhân tạo cũng chứa hỗn hợp lỏng mang đến dưỡng chất và mùi vị. Sau đó, quả nhân tạo cần bơm chất lỏng để tạo thành hình dáng cuối cùng. Loại trái cây này được cho là phát minh giúp đáp ứng lượng dinh dưỡng mà cơ thể người cần trong tình trạng thiếu hụt thực phẩm ở tương lai.
10. Sữa tươi nguyên chất ngăn béo phì
Đây là kết quả quan sát, phân tích 21.000 trẻ em độ tuổi 1-18 từ 7 quốc gia trong 28 nghiên cứu. Trong đó, 18 nghiên cứu chỉ ra sữa tươi nguyên chất giảm nguy cơ thừa cân, béo phì ở trẻ, trong khi sữa ít béo được phát hiện không có tác dụng tương tự.
Bệnh viện Unity Health Toronto, đơn vị chủ quản của dự án kết luận trẻ uống sữa tươi nguyên chất có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp hơn 40% trẻ uống sữa ít béo. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa chắc chắn sữa tươi là nguyên nhân chính giúp giảm béo nhưng có liên quan đến các yếu tố giảm trọng lượng cơ thể.