Theo Space.com, một miệng hố va chạm đôi mới được đặt tên là WE0913A, bề ngang lên tới 29 m đã xuất hiện một cách kỳ lạ trên Mặt Trăng từ ngày 4-3-2022, nhưng các nhà khoa học tin rằng không phải do tiểu hành tinh.
Khu vực xuất hiện miệng hố đôi gần với miệng hố va chạm nổi tiếng Hertprung, được ghi hình lại bởi Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt Trăng của NASA.
Có 2 "nghi phạm" chính được các nhà khoa học thế giới chỉ ra, và cái nào cũng liên quan đến hoạt động của con người.
Giả thuyết đầu tiên được đưa ra chính là tầng trên của tên lửa SpaceX Falcon 9 của Mỹ được dùng để phóng vệ tinh DSCOVR quan sát Trái Đất vào tháng 2 năm ngoái đã "đi lạc", đâm sầm vào vệ tinh tự nhiên của Trái Đất và để lại "lỗ thủng" kỳ lạ trên.
Tuy nhiên một nghiên cứu mới từ Đại học Arioza (Mỹ) vừa đưa ra một thủ phạm tiềm năng mới, đó là phần trên cùng của tên lửa Trường Chinh 3C của Trung Quốc.
Cũng giống như tên lửa của Mỹ, tên lửa Trường Chinh 3C của Trung Quốc cũng được dùng để phóng phương tiện vũ trụ.
Nó chính là cái đã đưa Hằng Nga 5-T1, một tàu vũ trụ robot thử nghiệm đã được Trung Quốc phóng lên Mặt Trăng từ tháng 10-2014. Trước đó, phía Trung Quốc cho rằng tầng trên của tên lửa Trường Chinh 3C này đã bốc cháy trong bầu khí quyển sau khi phóng thành công.
Theo nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Arizona, họ đưa ra kết luận này dựa trên tính toán tìm kiếm một vật thể đủ nặng để gây ra miệng hố WE0913A. Tầng trên với 2 động cơ của tên lửa Trung Quốc nặng trên 1 tấn.
Tuy vẫn còn tranh cãi nhưng các nhà khoa học trên thế giới hầu hết đều đồng thuận rằng "lỗ thủng đôi" này là do một thứ rác vũ trụ của con người.
Vụ việc góp thêm lời cảnh báo về việc các hoạt động không gian của con người đã để lại quỹ đạo Trái Đất vô số vật thể nguy hiểm, từ vệ tinh, tàu vũ trụ cỡ nhỏ, mảnh tên lửa... đã qua sử dụng.
Các vật thể này đôi khi va chạm, vỡ nát, tạo nên một tầng mảnh vỡ dày đặc, gây nguy hiểm cho các trạm vũ trụ và phương tiện vũ trụ đang hoạt động.
Cách đây chỉ vài ngày, một mảnh vỡ không gian đã khiến tàu vũ trụ Nga Progress đang ráp nối với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) phải khai hỏa động cơ, đẩy cả trạm "di dời".