Lòng tham của con người chính là thứ cản trở Cloud Gaming

Những tưởng chỉ có những hạn chế về công nghệ sẽ cản trở bước phát triển của Cloud Gaming nhưng lại còn một cản trở khác nữa là lòng tham của con người.

Với sự xuất hiện của Stadia và Geforce Now, mảng Cloud Gaming trở nên sôi động trở lại sau nhiều năm vắng bóng trên bản đồ công nghệ, nhưng hai sản phẩm này đang bị chính lòng tham của con người cản trở.

Trước hết chúng ta hãy cùng ôn lại một chút về Cloud Gaming (chơi game đám mây). Giống với tên gọi của mình, Cloud Gaming là công nghệ cho phép game thủ sử dụng hệ thống đám mây để chơi game một cách dễ dàng, ít tốn kém hơn so với cách chơi game truyền thống khi họ phải mua các thiết bị công nghệ đắt đỏ rồi lại phải tốn công nâng cấp, cài đặt phần mềm hàng năm. Công nghệ này lần đầu xuất hiện tại hội nghị GDC năm 2009 và do một nhà cung cấp dịch vụ tên Onlive giới thiệu. Thế nhưng vào thời điểm đó do nhiều hạn chế về công nghệ cũng như cơ sở hạ tầng mà dịch vụ chơi game đám mây của Onlive (yêu cầu đường mạng 3 mb/s một con số khá khủng lúc bấy giờ) đã phải tạm biệt người dùng vào khoảng 3 năm sau đó. Rồi từ đó đến nay mặc dù cũng có nhiều gương mặt mới xuất hiện để khai phá vùng đất tiềm năng này như Gaikai (sau này bị sony mua lại để phát triển thành PS Now như bây giờ) nhưng tất cả không để lại nhiều ấn tượng với người dùng. Với kết quả kinh doanh không khả quan như vậy, nên nhiều người cho rằng việc sử dụng mạng lưới đám mây để chơi game đã đi vào dĩ vãng.

Thế nhưng lại có một tia hy vọng mới được lóe lên khi hai ông lớn ngành công nghệ là NVIDIA cùng Google tuyên bố họ sẽ gia nhập thị trường này với hai dịch vụ mới của họ là Stadia cùng Geforce Now, nhưng đời không như là mơ khi hai dịch vụ này ra mắt thì thứ họ nhận lại chỉ toàn là gạch đá cùng sự ghẻ lạnh của cả hai phía nhà phát hành lẫn game thủ.

Nếu Stadia bị chỉ trích khá nhiều vì điều khoản buộc game thủ phải mua game phát triển riêng cho bản thân mình, điều đó vô tình đặt game thủ vào những tình huống khó xử khi các game của Stadia đa phần là những tựa game cũ và có tới 95% game thủ đã từng chơi qua ít nhất một lần. Đó là chưa kể tới việc những tựa game khác trong bộ sưu tập của họ sẽ không tương thích được với sản phẩm mới của Google, nên nếu họ chuyển qua Stadia chơi đồng nghĩa với việc game thủ sẽ phải từ bỏ bộ sản phẩm mà họ đã tốn công sưu tập bấy lâu.

Đối với Geforce Now thì mọi việc gần như hoàn toàn khác, NVIDIA cung cấp sản phẩm mới của họ như một dịch vụ hỗ trợ thêm. Game thủ có thể chơi những game họ đã sở hữu trong bộ sưu tập của mình nhưng được cung cấp thêm nhiều tính năng tiên tiến của công nghệ Cloud Gaming mang lại. Tiêu biểu như nếu bạn chọn gói dịch vụ Premium các bạn còn có thể truy cập vào các tùy chỉnh đồ họa tân tiến cùng hàng loạt các tính năng tuyệt vời khác. Tuyệt vời là thế nhưng bản thân Geforce Now cũng có những vấn đề của riêng mình đặc biệt là khi nhắc tới các điều khoản chia sẻ lợi nhuận với các bên khác, dễ thấy nhất ở đây chính là việc cho phép các game thủ chơi game mà không cần phải bỏ tiền ra mua thêm có thể hấp dẫn với người dùng nhưng các nhà làm game thì không nghĩ thế việc phải hỗ trợ thêm một nền tảng đồng nghĩa với việc phải tốn thêm chi phí để sửa lỗi, cập nhật, duy trì game trên đó, vậy mà họ không thể thu được lợi nhuận thêm thế nên đã có hai nhà rút khỏi Geforce Now là Bethesda và Activision.

Nếu ngày xưa công nghệ là thứ ngăn Onlive phát triển mạnh mẽ thì hôm nay thứ khiến hai hậu bối của nó phát triển lại là lòng tham của các nhà phát triển, nhưng điều này không thể trách các nhà cung cấp game khi không một ai trong cuộc sống này đứng ra mở một công ty game để làm từ thiện hay để theo đuổi hoài bảo cả, mục tiêu chính của họ vẫn là lợi nhuận. Nếu không tìm ra được một hướng đi đúng để làm hài lòng cả hai phía game thủ lẫn nhà làm game thì tương lai của Cloud Gaming vẫn sẽ chỉ là một màu xám vô định mà thôi.