Trong chuyến thăm Lisbon (Bồ Đào Nha), ông Robert Strayter, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về chính sách mạng, thông tin và truyền thông quốc tế, cho rằng cần làm sáng tỏ quan điểm Huawei tiến bộ hơn về 5G. Washington muốn các nước đồng minh cấm cửa Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, vì lo ngại sản phẩm của họ cho phép Trung Quốc gián điệp. Đây là cáo buộc bị Bắc Kinh và Huawei liên tục bác bỏ.
Lập trường của Mỹ làm nẩy sinh căng thẳng với các đồng minh như Anh, khi Thủ tướng Boris Johnson cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng 5G với vai trò hạn chế. Ông Strayer nói Mỹ khuyến khích các nước châu Âu suy nghĩ thận trọng về tác động của an ninh, kinh tế khi vội vã sử dụng công nghệ Huawei.
Phát biểu trước phóng viên, nhà ngoại giao Mỹ khẳng định không có cách nào có thể giảm hoàn toàn rủi ro trừ việc dùng các nhà sản xuất đáng tin cậy từ các nước dân chủ. “Tin tốt là Ericsson, Nokia, Samsung đều cung cấp công nghệ 5G ngang hàng với Huawei ngày nay. Họ dẫn đầu thế giới về công nghệ đang sở hữu”.
Huawei cho biết đã chi 15 tỷ USD năm 2019 để đạt vị trí dẫn đầu và Mỹ muốn kìm hãm tăng trưởng của mình vì không công ty Mỹ nào có thể cung cấp nhiều công nghệ như vậy với giá cạnh tranh.
Vẫn theo ông Strayer, các nhà sản xuất phương Tây như Ericsson, Nokia sẽ sử dụng kiến trúc mở với nhiều chức năng hơn, tạo cơ hội cho các công ty tại Mỹ và châu Âu cung cấp thiết bị tương thích. Một số doanh nghiệp Mỹ như Dell, Cisco, Juniper, VMWare “muốn đóng vai trò tương lai”. Trong khi đó, EU nói cho phép các nước thành viên tự quyết định Huawei có tham gia vào mạng 5G hay không.