Công ty mẹ của mạng xã hội TikTok, ByteDance đang cân nhắc sẽ bán mạng xã hội này cho một công ty của Mỹ để giúp TikTok "thoát mác" liên quan đến Trung Quốc. Đây được cho là nước đi táo bạo duy nhất để có thể tiếp tục hoạt động tại quốc gia này sau lệnh cấm của Tổng thống Mỹ, Donald Trump.
Sau đó, Tổng thống Trump lại đồng ý để ByteDance 45 ngày tìm các nhà đầu tư Mỹ và chuyển giao lại TikTok. Không ai khác chính là tập đoàn Microsoft, CEO Satya Nadella đang cân nhắc thương vụ mua lại mạng xã hội TikTok với giá lên đến 100 tỷ USD và thương vụ sẽ không kéo dài quá ngày 15/9. Đây sẽ là một thương vụ có lợi cho cả Microsoft lẫn TikTok.
Thương vụ hợp tác win-win
"Microsoft nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc xoa dịu các lo ngại của Tổng thống. Chúng tôi cam kết mua TikTok sau khi đã đánh giá toàn diện về mặt an ninh và sẽ cung cấp lợi ích kinh tế phù hợp cho nước Mỹ, bao gồm cả Bộ Tài chính Mỹ. Microsoft sẽ nhanh chóng theo đuổi các cuộc thảo luận với công ty mẹ của TikTok - ByteDance trong vài tuần và hoàn thành các cuộc thảo luận này không muộn hơn ngày 15/9/2020 trong mọi trường hợp. Trong quá trình này, Microsoft mong muốn tiếp tục đối thoại với Chính phủ Mỹ, kể cả với Tổng thống." - Theo đăng tải chính thức trên trang blog của Microsoft.
Rõ ràng, cơ hội để Microsoft trở thành ông chủ mạng xã hội có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với hơn 800 triệu người dùng hoạt động thường xuyên là rất lớn. Microsoft sẽ không phải đầu tư phát triển một mạng xã hội mới. Ngoài ra, việc mua lại TikTok giúp dẹp tan mối lo ngại của các nhà lập pháp Mỹ về việc thu thập và lấy cắp thông tin người dùng vì các mục đích gián điệp.
Thương vụ bom tấn của năm nay liệu có diễn ra?
Ở phía bên kia, ứng dụng video thuộc sở hữu của Trung Quốc đang bị chính quyền Trump cân nhắc buộc TikTok phải "cắt đứt quan hệ" với công ty mẹ ByteDance, do bị nghi ngại có thể gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia. Thương vụ bán lại cho Microsoft không những giúp TikTok "cắt bỏ" được nguồn gốc Trung Quốc mà còn thỏa mãn đủ điều kiện để hoạt động tại thị trường Mỹ.
Người không hạnh phúc trong thương vụ này có lẽ là Facebook. Việc mua lại một phần của TikTok có thể làm phức tạp mối quan hệ của Microsoft với Facebook - công ty vốn coi ByteDance là đối thủ cạnh tranh. Trước đó, sau khi ra mắt cực kỳ thành công với ứng dụng tương mạng xã hội chia sẻ video là Douyin dành cho thị trường nội địa Trung Quốc, ByteDance đã âm thầm tiến ra thế giới với ứng dụng TikTok và nhanh chóng chiếm được triệu con tim của cộng đồng mạng. Nhiều tháng sau, ByteDance mua lại Musical.ly với giá 800 triệu USD. Đáng chú ý là Facebook đã từng tìm cách mua Musical.ly năm 2016 nhưng không thành công.
Người không hạnh phúc trong thương vụ này có lẽ là Facebook
Kế hoạch lớn của thương vụ lớn
Theo thỏa thuận, Microsoft sẽ tiếp quản mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ, Canada, Australia và New Zealand. Hãng cho biết sẽ đảm bảo tất cả dữ liệu riêng tư của người dùng Mỹ được chuyển về và lưu trữ tại Mỹ.
Vấn đề cốt lõi trong đàm phán sẽ là tách riêng công nghệ của TikTok ra khỏi cơ sở hạ tầng của ByteDance. ByteDance hiện sở hữu một ứng dụng video ngắn khác hoạt động tại thị trường Trung Quốc là Douyin, dùng chung bộ mã với TikTok.
"Cấu trúc hạ tầng mới này vẫn sẽ dựa trên trải nghiệm mà người dùng TikTok hiện đang yêu thích, đồng thời bổ sung các biện pháp bảo vệ an toàn, bảo mật và kỹ thuật số tiên tiến nhất thế giới. Mô hình hoạt động cho dịch vụ sẽ được xây dựng để đảm bảo tính minh bạch cho người dùng cũng như sự giám sát an ninh phù hợp của chính phủ ở các quốc gia này.
Trong số các biện pháp khác, Microsoft sẽ đảm bảo rằng tất cả dữ liệu riêng tư của người dùng tại Mỹ của TikTok vẫn sẽ ở lại Mỹ. Trong trường hợp bất kỳ dữ liệu nào như vậy hiện được lưu trữ hoặc sao lưu bên ngoài nước Mỹ, Microsoft sẽ bảo đảm những dữ liệu này sẽ bị xóa khỏi các máy chủ bên ngoài quốc gia sau thương vụ chuyển giao." - Microsoft nhấn mạnh.
Trong thời gian vừa qua, giới chức Mỹ luôn cáo buộc ứng dụng chia sẻ video TikTok là mối đe dọa với an ninh quốc gia cho dù TikTok phủ nhận điều này. Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết việc đàm phán giữa ByteDance và Microsoft sẽ được giám sát bởi Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ. Đây là cơ quan có quyền chặn bất kỳ thương vụ mua bán nào.