Theo tờ Vox, Elon Musk đã khơi mào một cuộc chiến với các hãng truyền thông khi đe dọa loại bỏ những dấu tick xanh xác nhận của nhiều tài khoản nhà báo trên Twitter, đồng thời có những lời lẽ chế giễu các hãng tin lớn như New York Times, CNN... trước các thông tin tiêu cực về cuộc cải cách của ông cho mạng xã hội mới mua.
Không những vậy, Elon Musk còn cho khôi phục lại những tài khoản đã từng bị khóa trước đây, vốn thường là những nhân vật bị giới báo chí, truyền thông chỉ trích kịch liệt.
Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên là dù một số nhà báo phản đối Elon Musk cũng như từ bỏ Twitter thì phần lớn các hãng tin lại vẫn ở lại nền tảng này.
Kể từ lâu, cánh báo chí đã là một thế lực lớn trên Twitter khi họ cung cấp nhiều thông tin mới lạ, xác thực, miễn phí trên nền tảng này. Nhờ đó tạo nên một sân chơi hấp dẫn cho mạng xã hội này, đồng thời tạo nên hàng loạt những cuộc tranh cãi, thảo luận thú vị về các vấn đề mới.
Vậy tại sao khi Elon Musk thay đổi tất cả thì giới truyền thông vẫn không từ bỏ Twitter?
Đi hay ở?
“Tôi khá phân vân. Có rất nhiều thứ thú vị diễn ra trên Twitter và đây cũng là nơi mọi người có thể liên lạc với tôi”, nhà báo Jacob Silverman của tờ Washington Post cho biết.
Theo Silverman, mối quan hệ của cánh báo chí với Twitter chẳng khác nào “yêu nhau lắm cắn nhau đau” bởi dù có ghét Elon Musk ra sao thì giới truyền thông vẫn cần những cuộc tranh cãi, những thông tin nóng hổi và cả những lời chê bai trên Twitter để viết bài.
“Twitter vẫn là nơi mà bạn có thể theo dõi những người nổi tiếng hay quyền lực. Và đó cũng là nơi mà những người quyền lực đó có thể tiếp cận nhanh chóng với công chúng. Bạn thấy đấy, ngay cả tỷ phú Elon Musk cũng phải nghiện đến mức mua lại Twitter cho dù thương vụ này đem lại cho ông ấy nhiều rắc rối”, nhà báo Silverman nói.
Trong khi đó, nhà báo Taylor Lorenz của tờ Washington Post thì cho biết mình không bỏ twitter nhưng đã không đăng gì nữa lên nền tảng này. Cô cho biết đã làm điều này hàng năm nay trước khi thương vụ Elon Musk diễn ra và nguyên nhân chính là do các độc giả trẻ hiện đang dịch chuyển dần sang Tiktok hay Instagram.
Dẫu vậy, nhà báo Lorenz với hơn 300.000 người theo dõi vẫn không xóa tài khoản Twitter bởi cô cần theo dõi nhiều diễn biến cũng như tìm kiếm thông tin từ nền tảng này.
Nguồn tin lớn
Theo Vox, sau khi hơn 75% số nhân viên cũ của Twitter bị sa thải hoặc nghỉ việc, nhiều chuyên gia đã dự đoán nền tảng này sẽ sập trong cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ năm nay. Thế nhưng điều đó đã không xảy ra.
Thay vào đó, Twitter trở thành một nguồn tin lớn hơn bao giờ hết cho người dân Mỹ cũng như giới truyền thông khi các chính trị gia, người nổi tiếng đua nhau phát biểu quan điểm, tạo nên những cuộc tranh cãi trên nền tảng này. Đó là chưa kể vô số những thông báo về kết quả hay các thông tin khác được đăng tải nhanh chóng trên Twitter.
“Tôi sẽ không rời bỏ Twitter cho đến khi mạng xã hội này đóng cửa. Đây luôn là nguồn thông tin chính của tôi cho các cuộc tranh cãi về những vấn đề nóng”, phóng viên Ben Collins của NBC News nhấn mạnh.
“Tôi thường xuyên liên lạc qua Twitter bởi chúng nhanh hơn là gửi thư điện tử. Điều này cũng thuận tiện hơn là cố tìm kiếm số điện thoại hay nhắn tin cho người lạ để kiếm thông tin, thay vào đó bạn chỉ cần theo dõi những tài khoản xác thực là đủ”, biên tập viên Laura Hazzard Owen của Nieman Journalism Lab đồng tình.
Tờ Vox cho biết dù lượng người dùng hàng ngày ít hơn Facebook, Instagram hay Tiktok nhưng số người nổi tiếng như chính trị gia, các nhà khoa học, doanh nhân, chuyên gia tại Mỹ trên Twitter lại cao hơn nhiều so với những nền tảng khác và họ cũng tranh luận nhiều hơn trên mạng xã hội này.
Một yếu tố nữa khiến giới truyền thông dù không ưa Elon Musk nhưng khó từ bỏ Twitter là do ít lựa chọn thay thế. Một số nền tảng như Mastodon hay Post đang cố gắng phát triển nhưng rất khó để có thể tạo dựng được bị thế như Twitter hiện nay.
*Nguồn: The Vox