Theo Live Science, đó là sao chổi đặc biệt dễ bay hơi tên 29P/Schwassmann-Wachmann (29P), mất khoảng 14,9 năm để quay quanh Mặt Trời và được xác định là sao chổi hoạt động mạnh nhất trong hệ sao của chúng ta.
NASA cho biết 29P là một thành viên trong khoảng 100 sao chổi "nhân mã" bị đẩy từ Vành đai Kuiper, một cấu trúc đầy các sao chổi và tiểu hành tinh lạnh giá ở "rìa" của hệ Mặt Trời, rất xa bên ngoài quỹ đạo Sao Hải Vương, vào nơi gần mặt Trời hơn.
Hiện nó đã xâm nhập sâu vào hệ Mặt Trời, chủ yếu lang thang ở khu vực từ Sao Mộc đến Sao Hải Vương.
Nghiên cứu mới xuất phát từ việc nhà thiên văn nghiệp dư tên Patric Wiggins tình cờ quan sát được 29P đã tăng độ sáng đáng kể. Các quan sát tiếp nối sau đó đã giúp Hiệp hội Thiên văn học Anh (BAA) kết luận nó vừa trải qua một đợt phun trào mạnh, như núi lửa phun.
Nhưng khác với núi lửa, sao chổi 29P phun ra khối vật chất toàn khí lạnh, băng và đặc biệt là các khối xây dựng sự sống - cũng được "đóng gói" trong băng giá.
Ước tính lượng vật chất mà vụ phun trào này giải phóng lên tới hơn 1 triệu tấn, là một vụ phun trào bất thường trong toàn thế giới sao chổi. Theo BAA, chiếc đuôi từ vụ phun trào kéo dài tận 56.000 km.
Theo NASA, "cryomagma" - dạng "magma" đặc biệt từ sao chổi - của 29P chủ yếu là carbon monoxide, khí ni-tơ, một số chất rắn băng giá và hydrocarbon lỏng, "có thể đã cung cấp một số nguyên liệu thô hình thành sự sống trên Trái Đất".
Phát ngôn này bắt nguồn từ việc nhiều nghiên cứu trước đó cho thấy các sao chổi cùng loại và tiểu hành tinh chính là những "chuyến tàu sự sống" đã gieo mầm cho Trái Đất sơ khai hàng tỉ năm trước. Rất nhiều cấu trúc sinh học sơ khai đã được xác định trong các vật thể cổ đại tương tự.