Theo NASA, "mắt vũ trụ" đã được ghi nhận bởi kính viễn vọng không gian Hubble và đang được theo dõi bởi các nhà nghiên cứu.
Trong hình ảnh vừa được công bố, "mắt vũ trụ" này rực sáng ở trung tâm và như đang nhìn chằm chằm vào Trất Đất. Nhưng chắc chắn nó không phải một con quái vật ngoài hành tinh.
"Mắt vũ trụ" được đặt tên là NGC 2566, một thiên hà xoắn ốc, với mặt phẳng thiên hà hơi nghiêng theo góc nhìn của chúng ta, tạo nên hình dáng hạt hạnh nhân trong các bức ảnh chụp, khiến nó giống như một con mắt.
"Khi NGC 2566 dường như đang nhìn chằm chằm vào chúng ta, các nhà thiên văn học cũng nhìn lại, sử dụng Hubble để khảo sát các cụm sao và vùng hình thành sao của thiên hà" - NASA cho biết.
Hubble là kính viễn vọng không gian cực mạnh do NASA phát triển và điều hành chính, cùng với sự tham gia của đối tác chính là Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
Dữ liệu của Hubble đặc biệt có giá trị để nghiên cứu các ngôi sao chỉ mới vài triệu năm tuổi; những ngôi sao này sáng ở bước sóng cực tím và khả kiến, một lợi thế đối với những gì Hubble được thiết lập.
Sử dụng dữ liệu này, các nhà nghiên cứu có thể đo độ tuổi của các ngôi sao của NGC 2566, giúp ghép lại mốc thời gian hình thành sao của thiên hà và sự trao đổi khí giữa các đám mây hình thành sao và chính các ngôi sao.
Loại dữ liệu này từ các thiên hà xa xôi chính là thứ giúp người Trái Đất hiểu thêm về sự phát triển của chính thiên hà Milky Way (Ngân Hà) mà Trái Đất đang trú ngụ.
Như các thiên hà thú vị khác từng được xác định, trong thời gian tới "mắt vũ trụ" có thể sẽ được quan sát bổ sung bởi kính viễn vọng mạnh mẽ hơn James Webb, cũng do NASA phát triển và điều hành chính, cộng tác với ESA và CSA (Cơ quan Vũ trụ Canada).
Ngoài ra, hệ thống 66 kính viễn vọng vô tuyến ALMA, một trong những đài quan sát quốc tế mạnh nhất đặt tại sa mạc Atacama của Chile, dự kiến cũng tham gia cuộc khám phá.