Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa kỷ niệm 35 năm ngày thành lập (1/6/989 - 1/6/2024).
Viettel khởi đầu là một công ty nhỏ bé chuyên làm thuê, xây lắp công trình viễn thông cột cao với một dãy nhà cấp 4, một chiếc xe u-oát và 10 con người. Sau 35 năm, họ đã trở thành công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam, một tập đoàn kinh tế quan trọng của đất nước với giá trị thương hiệu gần 9 tỷ USD, thương hiệu đứng số 1 ở Đông Nam Á, thứ 15 trên bảng xếp hạng 150 nhà mạng có giá trị thương hiệu lớn nhất toàn cầu.
Xe u-oát là một xe địa hình có trang bị đơn giản, chủ yếu được sơn màu xanh lá với mui bằng vải bạt, chạy khá khỏe. Chiếc UAZ 469 đầu tiên ra đời vào cuối năm 1972 và chính thức được sản xuất hàng loạt vào năm 1973, thay thế cho những chiếc GAZ 69 đã lỗi thời. Tại Việt Nam, UAZ 469 không chỉ xuất hiện ở các đơn vị quân đội, mà còn được các đơn vị dân sự sử dụng rộng rãi. |
Trải qua 35 năm kinh doanh, Viettel đã phát triển các lĩnh vực kinh doanh: Viễn thông trong nước và viễn thông nước ngoài, giải pháp công nghệ thông tin, công nghiệp - công nghệ cao, logistics - thương mại điện tử,...
Lũy kế trong 35 năm qua, tổng doanh thu hợp nhất của Viettel đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 540 nghìn tỷ đồng. Viettel luôn là doanh nghiệp hàng đầu trong đóng góp cho ngân sách nhà nước, lũy kế đến nay đạt hơn 433 nghìn tỷ đồng.
Kỷ niệm 35 năm thành lập, tập đoàn Viettel cũng vinh dự được nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Theo đó, sau 17 năm theo đuổi lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, Viettel đã nghiên cứu làm chủ và sản xuất hơn 60 dòng sản phẩm thuộc 10 ngành vũ khí trang bị kỹ thuật cho quân đội; đảm bảo tính bảo mật, tự chủ, góp phần giúp nhiều quân binh chủng tiến thẳng lên hiện đại, nâng cao tiềm lực quân sự quốc phòng quốc gia.
Thành tích đặc biệt của Viettel còn được ghi nhận ở lĩnh vực an ninh mạng. Cụ thể, Viettel cùng Bộ tư lệnh 86 và các cơ quan chức năng đã đầu tư nguồn lực, nghiên cứu xây dựng và đưa vào các giải pháp, công cụ để góp phần kiểm soát chủ quyền của Việt Nam trên không gian mạng.
Thống kê sơ bộ, Viettel đã tìm ra hơn 400 lỗ hổng bảo mật zero-day (lỗ hổng chưa từng được công bố), chiến thắng ở cuộc thi khai thác lỗ hổng bảo mật lớn nhất thế giới Pwn2Own, ngăn chặn trung bình hơn 50.000 cuộc tấn công mỗi năm của hacker toàn cầu vào hệ thống. Đội ngũ an ninh mạng Viettel đã góp phần đưa Việt Nam vào top 30 thế giới các nước có khả năng làm chủ trên 95% các sản phẩm an toàn, an ninh mạng.
Viettel là nhà mạng di động lớn tại Việt Nam và đã xuất hiện ở nhiều quốc gia khác.
Viettel đã xây dựng nền tảng hạ tầng viễn thông lớn và hiện đại với hệ thống đường trục cáp quang đủ quấn 9 vòng quanh Trái đất, hạ tầng kết nối vạn vật, hạ tầng mạng 5G và các trung tâm dữ liệu sẵn sàng cho phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).
Đặc biệt, doanh thu từ hoạt động đầu tư nước ngoài đạt hơn 3 tỷ USD, duy trì tốc độ tăng trưởng cao 7 năm liên tiếp, gấp 5 lần trung bình ngành trên thế giới, đem lại nguồn thu ngoại tệ hàng năm chuyển về Việt Nam lên tới 500 triệu USD. Từ vai trò một kẻ đến sau, Viettel đã vươn lên dẫn đầu ở 7/10 thị trường, ở cả 3 châu lục Á, Phi và Mỹ La-tinh.