Quả thực chưa bao giờ tản nhiệt nước được ưa chuộng đến vậy, sở hữu hiệu năng làm mát vượt trội cùng vẻ đẹp hút hồn những tín đồ của công nghệ, tản nhiệt nước và xin nhấn mạnh là tản nhiệt nước custom đã gần gũi với người sử dụng hơn bao giờ hết. Nhưng trước khi đặt chân vào thế giới sắc màu của những bộ tản nhiệt đẹp ngất ngây, người dùng cần phải trang bị cho bản thân một số kiến thức cần thiết nếu không muốn lãng phí tiền bạc, công sức và cả tâm huyết của bản thân mình.
Mặc dù mỗi bộ tản nhiệt nước custom đều có dáng vẻ khác nhau nhưng nhìn chung cấu tạo của chúng đều bắt buộc phải có các thành phần cơ bản dưới đây:
Block
Block là một trong những linh kiện chính yếu nhận trách nhiệm hấp thụ nhiệt độ và truyền nhiệt vào chất lỏng làm mát. Block có rất nhiều dạng chất liệu cấu thành khác nhau và tùy vào chất liệu sử dụng mà khả năng hấp thụ và truyền tải nhiệt sẽ khác nhau. Phổ biến nhất có lẽ vẫn là Đồng, niken, nhôm... Một dàn tản nhiệt custom phổ thông thì block thường được gắn cho CPU vì đây là bộ phận thường xuyên hoạt động và tỏa nhiệt độ lớn nhất trong cả dàn máy. Ở những dàn tản nhiệt cao cấp hơn Block còn có thể được làm để gắn cho VGA và Main nếu muốn.
Coolant
Coolant hay còn được gọi là dung dịch làm mát là loại chất lỏng được đưa đi khắp hệ thống đóng vai trò hấp thụ truyền tải nhiệt năng đến các bộ phận khác của bộ tản nhiệt. Coolant có rất nhiều loại với chất lượng khác nhau phụ thuộc vào thành phần và độ đậm đặc của dung dịch. Tuy nhiên cần lưu ý thêm trên thị trường có một số loại dung dịch làm mát kém chất lượng giá thành rẻ khi sử dụng lâu sẽ xuất hiện cặn ảnh hưởng cực không tốt đến hiệu năng và độ bền của toàn hệ thống, bạn đọc cần tham khảo kĩ người chơi có kinh nghiệm trước khi mua.
Tank
Nói đơn giản thì Tank là một dạng bình chứa nước và Coolant (dung dịch làm mát) có trách nhiệm lưu trữ và làm trạm trung chuyển dung dịch cho hệ thống. Tùy vào vị trí đặt Tank mà sẽ có các loại Tank với thiết kế khác nhau phù hợp với điều kiện sử dụng.
Pump
Pump là một máy bơm mini có tác dụng đẩy dung dịch đi theo một hệ thống đường ống và Tank tạo ra vòng tuần hoàn của Coolant. Pump khá đa dạng với nhiều kiểu dáng, tốc độ bơm khác nhau, thậm chí có cả những loại khá đặc biệt tích hợp cả Tank liền Pump. Tuy nhiên không phải cứ Pump mạnh là tốt, Pump quá mạnh sẽ khiến dung dịch có bọt và gây ồn, ngược lại bơm quá yếu sẽ gây tắc nghẽn đường ống.
Radiator
Radiator hay còn gọi là két nước, nôm na thì bộ phận này có công dụng giúp làm mát Coolant để giảm nhiệt hệ thống. Nguyên tắc hoạt động như sau, Coolant sau khi hấp thụ nhiệt từ bộ phận tỏa nhiệt được đưa vào Radiator, Radiator có cấu tạo khá đặc biệt với nhiều rãnh nước nhỏ để dẫn dung dịch làm mát chảy qua. Thông qua các rãnh hay còn gọi là lá tản nhiệt, nhiệt lượng từ dung dịch sẽ tỏa ra ngoài và được làm mát nhờ quạt tản nhiệt lắp trên Radiator. Radiator càng dài càng dày, chất liệu dẫn nhiệt càng tốt thì hiệu quả làm mát càng tối ưu, các kích thước Radiator phổ biến là 120,240 và 360.
Fan
Fan hay còn gọi là quạt tản nhiệt có nhiệm vụ lưu thông không khí, làm mát Radiator và trang trí case
Tubing + Fitting
Tubing là các đường ống nước được để dẫn Coolant đi khắp hệ thống. Tubing chia thành hai loại: cứng và mềm và để kết nối các Tubing với nhau ta sẽ cần Fitting gọi theo cách của mình là ống nối. Chất liệu, thiết kế và ron giữ ống sẽ quyết định đến chất lượng và giá thành của loại ống nối.
Thông thường về mặt thẩm mĩ, người chơi thường lựa chọn sử dụng ống cứng mặc dù loại ống này khá cứng khó uốn và dễ gãy hỏng vì khá giòn. Một số loại ống cứng cao cấp còn được làm từ thủy tinh và kim loại. Các thông số trên ống và ống nối cho người sử dụng biết chúng có lắp được với nhau hay không. Ví dụ như Fitting ID:10mm/OD:13mm thì loại Tubing cắm vừa Fitting đó cũng phải có thông số tương tự ID:10mm/OD:13mm