Sự rắc rối của Intel lên đỉnh điểm khi có những thông tin cho biết Qualcomm và thậm chí ARM đang có ý định mua lại một phần của công ty thống trị thị trường bộ xử lý PC. Mọi thứ bắt nguồn từ việc các lãnh đạo Intel thiếu tầm nhìn và hiểu biết về công nghệ, thay vào đó chỉ tập trung hiệu quả bán hàng và tiết kiệm chi phí một cách mù quáng.
Chậm chạp với làn sóng internet di động
Apple muốn Intel tùy chỉnh chip tiêu thụ điện năng thấp cho máy tính Mac, nhưng Intel hơi không hài lòng vì báo giá của Apple quá thấp và số lượng quá ít nên đã từ chối. Kết quả là, Apple đã tung ra chip M1 của riêng mình và mọi thứ bắt đầu thay đổi khi không chỉ hệ thống Mac mà một số máy tính Windows cũng đã sử dụng chip ARM thay vì x86.
Điều này giúp ARM tưởng chừng chỉ giới hạn ở các thiết bị di động đã có mặt trên thị trường mà x86 thống trị trong thời gian dài. Ngay cả khi internet di động cất cánh, Intel vẫn quyết không chịu thay đổi theo cách của ARM. Kết quả là, các nhà sản xuất smartphone đều chọn chip ARM.
Bỏ lỡ thời cơ AI
Có giai đoạn, Intel được cho là có thể mua lại Nvidia nhưng công ty đã không thực hiện. Điều này khiến họ không chỉ bỏ lỡ cơ hội có công nghệ GPU tiên tiến của Nvidia mà còn mất cơ hội sở hữu nhiều nhân sự lãnh đạo giỏi cho mình.
AI đang có mặt ở khắp mọi nơi.
Không dừng lại, Intel cũng bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào OpenAI. Theo đó, vào năm 2018, Intel đã có cơ hội đầu tư 1 tỷ USD để đổi lấy 15% cổ phần của OpenAI. Họ thậm chí có thể mua thêm 15% cổ phần nếu cung cấp chip cho OpenAI với giá gốc. Vào thời điểm đó, OpenAI quan tâm đến việc nhận được đầu tư từ Intel vì điều đó sẽ làm giảm sự phụ thuộc vào chip Nvidia, nhưng cuối cùng Intel đã từ bỏ. Một trong những nguyên nhân khiến điều này không xảy ra là vì Intel tin rằng AI tạo sinh sẽ không phát triển thành một công nghệ trưởng thành trên thị trường. Khi đã bỏ lỡ cơ hội đầu tư OpenAI, Intel thực sự bỏ lỡ toàn bộ kỷ nguyên AI.
Không chịu thay đổi
Intel là một trong số ít công ty vừa thiết kế chip lại vừa sản xuất chip, được hiểu như là một mô hình tích hợp dọc (IDM). Đây là mô hình mà Intel đã sử dụng kể từ khi thành lập vào đầu những năm 1970.
Tuy nhiên, thứ phổ biến trong ngành những năm gần đây là mô hình Fabless (các công ty thiết kế nhưng không tự sản xuất bán dẫn) và Foundry (các công ty chịu trách nhiệm thực hiện giai đoạn trước của quy trình sản xuất bán dẫn). Để dễ hiểu, Nvidia, Qualcomm và MediaTek là các công ty chọn mô hình Fabless, trong khi TSMC là công ty điển hình của mô hình Foundry.
Mô hình dọc IDM không còn phù hợp với xu thế hiện nay.
Việc tách biệt thiết kế và sản xuất chip cho phép các công ty thiết kế chip nhanh chóng đi sâu vào các lĩnh vực chuyên môn mà không phải lo đầu tư cho dây chuyền sản xuất. Các công ty này phụ thuộc vào nhau để tối đa hóa hiệu quả.
Còn với Intel, khi công ty chỉ lo tập trung vào mô hình IDM dẫn đến không chỉ thiếu sự cạnh tranh với các nhà sản xuất chip chuyên về thiết kế mà còn không cạnh tranh tốt với các xưởng đúc. Kết quả là, họ dần tụt lại phía sau khi làn sóng chip bùng nổ.
Nhìn chung, do bỏ lỡ quá nhiều cơ hội, Intel đang phải đối mặt với giai đoạn khó khăn nhất trong 50 năm tồn tại của mình. Điều đó cho thấy trong thế giới công nghệ, không có vị vua nào là không phải “thoái vị”. |