Theo Southern Metropolis Daily, ngày nay, việc sử dụng nhận dạng khuôn mặt để xác minh danh tính dường như đã trở thành điều đương nhiên. Tuy nhiên, tuy đã sử dụng xác thực khuôn mặt để chuyển tiền nhưng một số người vẫn để bị kẻ gian lợi dụng, đánh cắp tiền trong tài khoản. Thậm chí có người đã bị mất tiền dù không đăng nhập hay thao tác gì trên tài khoản ngân hàng.
Một cô gái tên Lin sống tại Trung Quốc cho biết, cô đã trở thành nạn nhân của lừa đảo viễn thông. Cụ thể, tài khoản ngân hàng của cô đã bị chuyển đi 200.000 NDT (khoảng 700 triệu đồng) mà cô không đăng nhập hoặc thực hiện các thao tác xác thực khuôn mặt nào trên app ngân hàng.
Cô cho biết, một thời gian trước, khi đang xin thị thực ở Bắc Kinh (Trung Quốc), cô nhận được một cuộc gọi từ một người tự xưng là từ Cục Công an. Bên kia nói rằng, cô bị nghi ngờ rửa tiền ở nước ngoài và người này có giọng điệu cứng rắn.
Cô Lin ban đầu còn nghi ngờ, nhưng đối phương không chỉ nêu chính xác những thông tin cô đã cung cấp cho cơ quan khi nộp đơn xin thị thực mà còn "xác nhận" danh tính của cô thông qua một cuộc gọi video. Chính vì vậy, về cơ bản đã xóa tan những nghi ngờ của cô.
Sau đó, bên kia đã gửi tin nhắn kèm theo đường link yêu cầu cô Lin xác nhận thông tin danh tính của cô. Cô nhấp vào liên kết và trang web hiển thị xác nhận bằng khuôn mặt. Làm theo yêu cầu của bên kia, cô đã xác thực khuôn mặt của mình.
Sau khi cô Lin làm theo, cô không nhận được bất kỳ tin nhắn nào từ bên kia. Không lâu sau, cô nhận ra có điều gì đó không ổn nên cô đăng nhập vào tài khoản ngân hàng để kiểm tra. Sau đó, cô mới phát hiện ra rằng hơn 200.000 NDT được chuyển từ tài khoản ngân hàng của mình mà không có thông tin đăng nhập, thao tác hoặc nhận diện khuôn mặt của chính cô.
Sau đó, cô đã lập tức báo công an Bắc Kinh (Trung Quốc). Công an cho biết, những vụ lừa đảo mà cô Lin gặp phải không phải là hiếm, và đúng là cô đã chủ động giao thông tin khuôn mặt quan trọng cho những kẻ lừa đảo nên ngân hàng hoàn toàn không liên quan trọng vụ việc này.
Nhưng điều khiến cô bối rối là địa chỉ IP của thiết bị dùng để đăng nhập vào tài khoản của cô là từ Thâm Quyến (Trung Quốc) và cô đã ở Bắc Kinh (Trung Quốc) trong thời gian đó. Cảnh sát cho biết, việc cô nhấp link lừa đảo đã khiến điện thoại của cô bị chiếm quyền điều khiển.
Những tên lừa đảo có thể sử dụng lịch sử thao tác trên điện thoại để lần ra số tài khoản của cô. Cùng với đó, do vô tình giao xác thực khuôn mặt của mình cho đối tượng lừa đảo, việc tiền trong tài khoản ngân hàng của cô bị chuyển đi trong thầm lặng là điều dễ hiểu.
Qua trường hợp của cô Lin, công an khuyến cáo, cẩn trọng khi sử dụng các nguồn thông tin không chính thức, mạo danh người của công an, cảnh sát cũng như các cơ quan khác; tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo"... trên không gian mạng; không chuyển tiền cho các đối tượng trên để được hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ.
Đặc biệt, không nên nhấp vào đường link lạ. Khi truy cập và link độc hại, dù chưa thao tác gì thì kẻ xấu vẫn có thể cài đặt mã độc lên thiết bị của bạn thông qua các lỗ hổng trình duyệt. Trường hợp xấu nhất, kẻ xấu đủ quyền kiểm soát thiết bị và có thể đánh cắp dữ liệu tài khoản cá nhân của người dùng.