Tháng 6/2019, Facebook thông báo kế hoạch phát triển tiền ảo mới Libra, nhưng vấp phải phản ứng gay gắt từ các nhà quản lý khắp thế giới. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng Libra không thể được phép hoạt động trên đất châu Âu, tuy nhiên ông không đưa ra đề xuất.
Ông cũng cho biết đã liên lạc với các lãnh đạo ngân hàng trung ương châu Âu về việc thiết lập “tiền điện tử công cộng” dưới sự bảo trợ của các tổ chức tài chính quốc tế.
Nói về dự án Libra tại hội nghị của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), ông Le Maire phát biểu: “Loại tiền tư nhân hóa này chứa đựng các nguy cơ của lạm dụng, đe dọa chủ quyền tiền tệ và rủi ro đối với người dùng, công ty”.
Dante Disparte, Giám đốc chính sách và truyền thông Hiệp hội Libra, cam kết hợp tác với các nhà chức trách. Nhận xét của Bộ trưởng Tài chính Pháp một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa Libra với các cơ quan quản lý, các nhà lãnh đạo khắp thế giới.
Ông Le Maire không phải người duy nhất chỉ trích dự án tiền ảo của Facebook. Nhóm các nền kinh tế mạnh nhất thế giới G7 từng cảnh báo sẽ không cho phép Libra hoạt động cho tới khi giải quyết được mọi quan ngại pháp lý.
Libra từng nói muốn xin giấy phép hệ thống thanh toán tại Thụy Sỹ, nước không phải thành viên của Liên minh châu Âu. Song Thụy Sỹ dội gáo nước lạnh vào ý định này khi cho biết nó sẽ đối mặt với quy định nghiêm ngặt vốn đang áp dụng cho ngân hàng cùng với luật phòng chống rửa tiền khắt khe.
Ông Le Maire chỉ ra: “Libra đại diện cho rủi ro hệ thống ngay từ thực tế nó có 2 tỷ người dùng. Bất kỳ trục trặc chức năng nào của loại tiền này, trong hệ thống quản lý dự trữ, đều có thể gây gián đoạn tài chính nghiêm trọng… Tôi muốn nói rõ rằng: với tất cả điều kiện này, chúng ta không thể cho phép phát triển Libra trên đất châu Âu”.