Thiên hà vừa mới được xác định được đặt tên là SPT-S J041839-4751.9, mang ít nhất 2 đặc điểm điển hình của Milky Way: cấu trúc 1 đĩa quay và 1 chỗ phình; một nhóm lớn các ngôi sao "đóng gói" chặt chẽ quanh phần trung tâm thiên hà.
Trước đây, giới thiên văn tin rằng những thiên hà trẻ đang hình thành trong vũ trụ sơ khai sẽ hỗn loại, thiếu đi các đặc trưng của các thiên hà trưởng thành hơn như Milky Way. Nhưng thiên hà trẻ tuổi này cho thấy nó có thể là bản sao hoàn hảo của thiên hà chứa Trái Đất thời "thanh xuân".
Theo tiến sĩ Francesca Rizzo từ Viện Vật lý Thiên văn Max Planck (Đức), thành viên nhóm nghiên cứu, vật thể mới được phát hiện có thể giúp chúng ta hiểu được các thiên hà vĩ đại như Milky Way đã hình thành như thế nào. "Bằng cách nghiên cứu nó, chúng ta có thể quay ngược thời gian, trở về thời kỳ khi các thiên hà mới phát triển trong vũ trụ non trẻ.
Với khoảng cách quá xa, bản sao của thiên hà chứa Trái Đất khá mờ nhạt, nhưng các nhà thiên văn đã tìm được một thiên hà lân cận, có thể đóng vai trò như một "thấu kính hấp dẫn" giúp cho việc quan sát. Trong thiên văn học, một vật thể không chỉ được quan sát trực tiếp, mà còn có thể "quan sát" thông qua tương tác lực hấp dẫn giữa nó và các vật thể lân cận.
Việc quan sát kỹ hơn càng làm nổi bật các điểm tương đồng Milky Way. Vì cách chúng ta những 12 tỉ năm ánh sáng, nên hình ảnh các nhà thiên văn quan sát được hôm nay thực ra là hình ảnh quá khứ của nó – tận 12 tỉ năm về trước. Có thể nói đến bây giờ, thiên hà bí ẩn này đã trưởng thành, thậm chí khá già cỗi vì có tuổi đời hơn 12 tỉ năm. Một nghiên cứu trước đây cho thấy tuổi của Milky Way cũng chỉ xấp xỉ mức này, thậm chí là trẻ hơn.
Vì vậy, có thể cho đến thời điểm hiện đại, ở vùng không gian sâu đó, thực sự có một "thế giới trong gương" của thiên hà chứa Trái Đất.
Phát hiện mới được công bố trên tạp chí Nature này còn khiến lý thuyết về thế giới hỗn mang sau vụ nổ lớn Big Bang bị chao đảo: có vẻ vũ trụ sơ khai trật tự và giống thời hiện đại hơn chúng ta tưởng.