Science Alert cho biết ngôi sao lùn đỏ mang tên L 98-59. Theo nhà vật lý thiên văn María Rosa Zapatero Osirio từ Trung tâm Sinh vật học (Tây Ban Nha), thành viên nhóm nghiên cứu, hành tinh sống được trong hệ này nằm ngay giữa "vùng sự sống" của ngôi sao mẹ (tức vùng "Goldilocks", trong hệ Mặt Trời chính là khoảng không gian từ Sao Kim đến Sao Hỏa).
Theo Daily Mail, nó được xác định là một hành tinh đá cùng bản chất với Trái Đất, nhưng khối lượng chỉ bằng một nửa Sao Kim, và là hành tinh sống được nhỏ bé nhất từng được phát hiện từ trước đến nay, và được cho là đột phá về mặt kỹ thuật bởi những thế giới bé nhỏ như vậy rất khó quan sát. Tuy nhỏ bé, hành tinh này được cho là sở hữu nguồn nước và bầu khí quyển ổn định.
Science Alert cho biết thêm hệ thống L 98-59 đã được phát hiện từ năm 2019 bởi kính viễn vọng TESS – "thợ săn ngoại hành tinh" tối tân của NASA. Chúng được quan sát khi "quá cảnh" ngang mặt ngôi sao và làm ánh sáng mờ đi, sau đó bổ sung thêm thông tin bằng các phép đo vận tốc xuyên tâm.
Trong nghiên cứu mới này, các nhà thiên văn Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, dẫn đầu bởi tiến sĩ Olivier Demangeon từ Đại học Porto (Bồ Đào Nha), đã sử dụng kính viễn vọng Very Large từ Đài thiên văn Nam Âu (ESO) để kiểm tra lại hệ thống sao và phát hiện ra "Trái Đất thu nhỏ" nói trên, mang tên L 98-59b.
Cách sao mẹ xa hơn một chút là một hành tinh đá khác có khối lượng 1,4 lần Trái Đất. Hành tinh thứ 3 có khối lượng gấp đôi Trái Đất với mật độ cho thấy nước chiếm tới 30% khối lượng, nên thuộc dạng hành tinh đại dương.
Các nhà thiên văn vẫn nghi ngờ sự tồn tại của một hoặc nhiều hành tinh khác nữa trong hệ này. Nghiên cứu vừa công bố trên Astronomy & Astrophysics.